Trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp ngành thực phẩm trong việc xanh hóa là tỷ lệ bao bì bắt buộc phải thu hồi tái chế ngày càng cao, trong khi, nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí để thực hiện.
>>>Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Cần cú hích từ thể chế, chính sách
Ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico)
Sản xuất xanh hiện nay không chỉ là xu hướng riêng trong phạm vi của một quốc gia mà đã là xu hướng chung của toàn thế giới. Ngoài việc thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến các vấn đề về môi trường như nước thái, khí thải…theo đúng tiêu chuẩn, Bidrico cũng đang tiến hành đầu tư hệ thống điện mặt trời để phục vụ sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zezo) vào năm 2050 của Chính phủ.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, công ty cũng đã có chủ trương sản xuất các sản phẩm xanh và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, nhằm mang lại những sản phẩm chất lượng, bổ dưỡng cho người tiêu dùng. Đồng thời, công ty cũng đang tìm kiếm các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ để đảm bảo sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng được tốt hơn.
Nhận biết được tầm quan trọng của xanh hóa trong vấn đề sản xuất cũng như phát triển bền vững của doanh nghiệp, chúng tôi đã quyết tâm rất lớn để chuyển đổi xanh. Nếu như không thực hiện, doanh nghiệp không những không thể xuất khẩu ra nước ngoài mà ngay cả ở thị trường nội địa cũng sẽ gặp khó khăn, bởi hiện nay kiến thức tiêu dùng của người dân cũng được nâng lên rất cao, nếu sản phẩm không xanh, không tốt sẽ khó có chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, hiện nay, trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngành thực phẩm nói chung và của Bidrico nói riêng là quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề tái chế bao bì. Năm 2024, chủ trương của Nhà nước là doanh nghiệp phải thu hồi bao bì để tái chế cao nhất là khoảng 22% (tỷ lệ này sẽ được tăng lên theo năm). Đối với Bidrico, phần lớn các bao bì đều được thu hồi tái chế vượt trên 22%, cá biệt có những sản phẩm bao bì được thu hồi và tái chế lên đến 80%.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tốn kém thêm một khoản chi phí cho việc thu hồi và tái chế bao bì. Chi phí này cũng không hề nhỏ, chiếm khoảng từ 15-20% giá thành của sản phẩm, dẫn đến giá thành của sản phẩm bị đội lên cao. Do đó, những doanh nghiệp thực hiện sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn về giá so với các doanh nghiệp không thực hiện.
Chưa kể, số lượng các doanh nghiệp có giấy phép tái chế ở TP.HCM còn rất ít, chỉ mới có 03 doanh nghiệp được cấp giấy phép tái chế bao bì nhựa, khiến chi phí tái chế cũng rất cao. Do đó, để giảm giá thành tái chế cho các doanh nghiệp thì cần phải tăng số lượng các doanh nghiệp được phép tái chế lên nhằm đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ, nên việc chuyển đổi xanh cũng gặp không ít trở ngại. Đặc biệt là khả năng thực hiện việc thu hồi bao bì để tái chế là gần như không thể do họ không đủ kinh phí để thực hiện.
Chủ trương của Nhà nước là rất đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp cũng phải thích ứng dần. Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn thì cần phải xem xét lại lộ trình cho phù hợp với các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Cần cú hích từ thể chế, chính sách
01:00, 16/06/2024
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh: Tiếp sức doanh nghiệp
02:00, 15/06/2024
Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Vingroup hợp tác thúc đẩy chuyển đổi xanh
09:41, 13/06/2024
Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh
02:30, 13/06/2024
Thể chế hoá tiêu chuẩn ESG cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh
11:29, 07/06/2024