“Quê mình” chọn 3 lĩnh vực - 3 chân kiềng này không chỉ để phát triển ở ĐBSCL, mà để đi đến đâu “Quê mình” cũng có thể khai thác tiềm năng của mỗi vùng đất.
>>Doanh nghiệp du lịch "lên dây cót" sẵn sàng cho mùa bội thu
Sáng lập hệ sinh thái các công ty trong Quê Mình Group với nhiều lĩnh vực, nhưng theo doanh nhân Lương Nguyễn Duy Thông, Sáng lập Quê mình Group, giáo dục - nông nghiệp - du lịch là 3 “chân kiềng” của “Quê mình”, mà đi đến đâu “Quê mình” cũng có thể khai thác tiềm năng của mỗi vùng đất.
- Thưa ông, với một doanh nghiệp ở Đồng Tháp như “Quê mình”, việc lựa chọn nông nghiệp là một chân kiềng thì dễ hiểu, vì đây là thế mạnh của ĐBSCL, nhưng du lịch và giáo dục, thì sao thưa ông?
ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục, giao thông, dẫn tới “trũng” về kinh tế. Mặc dù từ khi có Nghị quyết 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu thì ĐBSCL được quan tâm nhiều hơn, nhưng tốc độ phát triển vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.
Để đạt mục tiêu đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, cần phải có sự bứt phá về giáo dục. Trên một trận đấu, chúng ta có đấu pháp tốt đến đâu mà không có những chiến binh giỏi thì chúng ta cũng khó mà thắng được.
Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam cùng những lợi thế về công nghiệp thực phẩm, du lịch… ĐBSCL cần phải có những mô hình giáo dục tương ứng, những doanh nhân tương xứng để có thể ươm tạo những mô hình doanh nghiệp, thì 5 - 10 năm sau ĐBSCL mới phát triển đúng mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
- Theo ông, mô hình giáo dục như thế nào là tương ứng với sự phát triển của ĐBSCL?
ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn khá thấp (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022.
ĐBSCL cần đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, cần thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.
Làm sao để giáo dục giúp người nông dân nâng cao nhận thức, sản xuất sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, có thể đưa sản phẩm ra toàn cầu mà không mất quá nhiều khâu trung gian như lâu nay. Đó là hiệu quả kinh tế xã hội chứ không phải đơn thuần là sản lượng.
- Là Tiến sĩ Quản lý kinh tế và quản lý giáo dục, hẳn ông đã tính rất kỹ bài toán đầu tư về giáo dục tại ĐBSCL, thưa ông?
Tôi lớn lên trong gia đình có môi trường giáo dục. Tôi cũng từng là giảng viên Đại học, giờ là thành viên Hội đồng trường Đại học Đồng Tháp, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục học – Viện Trí Việt (Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam).
Thời gian qua, “Quê mình” đã đầu tư rất mạnh về giáo dục. Hiện chúng tôi đang đầu tư trường Cao đẳng/Trung cấp chất lượng cao K&Y tại Đồng Tháp.
- Tôi vẫn thắc mắc về việc ông chọn giáo dục - nông nghiệp - du lịch là 3 “chân kiềng” của “Quê mình”?
Nông nghiệp rõ ràng là thế mạnh ĐBSCL. Giáo dục thì tôi đã nói ở trên, càng vùng trũng càng là cơ hội tốt và rất cần để đầu tư. Còn du lịch, đặc biệt du lịch sông nước của ĐBSCL luôn tràn đầy tiềm năng. với các sản phẩm tham quan vườn trái cây, di tích, làng bè nuôi trồng thủy hải sản, khám phá thiên nhiên sông nước. Ngoài ra, do địa bàn này nằm trên tuyến du thuyền sông Mekong nên có triển vọng thành điểm dừng chân của các du thuyền. Đặc biệt, các tuyến du lịch quốc tế theo sông Mekong qua Campuchia, Thái Lan bằng du thuyền cao cấp cũng rất có triển vọng phát triển.
Tuy nhiên, “Quê mình” chọn 3 lĩnh vực - 3 chân kiềng này không chỉ để phát triển ở ĐBSCL, mà để đi đến đâu “Quê mình” cũng có thể khai thác tiềm năng của mỗi vùng đất. Trước mắt là mục tiêu nhân rộng “Quê mình” ra 63 tỉnh thành, chứ không chỉ dừng lại ở 20 tỉnh thành như hiện nay.
- Nhưng có phải địa phương nào cũng có thế mạnh về giáo dục - nông nghiệp - du lịch để “Quê mình” có thể khai thác, thưa ông?
Trong 3 lĩnh vực đó, địa phương nào có thế mạnh lĩnh vực nào “Quê mình” sẽ đẩy mạnh khai thác lĩnh vực đó. Chẳng hạn, như Quảng Ninh mạnh về phát triển du lịch và họ đào tạo những doanh nhân về du lịch, thì du lịch sẽ phát triển (gắn với đào tạo). Và “Quê mình” đầu tư, khai thác thế mạnh đó. Ở Sơn La mạnh về nông nghiệp (gắn với nông sản, đặc sản) thì chúng tôi đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp ở địa phương này...
- Trong quá trình “Quê mình” đi ra “quê người”, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất?
Đầu tiên vẫn là con người. Trên một trận đấu, dù chúng ta có đấu pháp tốt đến đâu mà không có những chiến binh giỏi thì chúng ta cũng thua. Muốn phát triển bền vững và đi xa, chúng tôi phải đào tạo nhân lực, nâng cao quản quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường…
Theo tôi, dù khởi nghiệp ở đâu, 5 chữ "Lực" là điều kiện cần, đó là trí lực, vật lực, tài lực, năng lực và động lực phát triển bền vững. Doanh nghiệp rất cần các cơ chế, chính sách phù hợp thực tếmôi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp có thể tự chủ, tự lực, tự cường.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm