[40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hồi ức của một người lính

Diendandoanhnghiep.vn Một trong những người lính trở về sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đó là bố tôi. Trong ký ức của ông, những người đồng đội hy sinh vì lý tưởng và tình yêu với Tổ quốc chưa bao giờ bị lãng quên.

Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

Ngày 17/2/1979, địch dùng bộc phá, thuốc nổ, đại bác bắn vào khu mỏ Apatít Lào Cai (tỉnh Hoàng Liên Sơn), phá hủy toàn bộ khu mỏ. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

Bố tôi kể, ông chưa từng một giây nào quên đi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, quên đi những đồng đội của ông. Đó là một cuộc chiến mà phim ảnh hay lời kể cũng không diễn đạt được hết. Với ông, sự khốc liệt của cuộc chiến đó khiến cho người còn sống trở về không còn thấy sợ điều gì nữa, thấy giá trị của hòa bình thật đáng giá biết bao.

Hàng năm, vào những ngày tháng 2 lịch sử, khi mùa xuân vừa gõ cửa, những đồng đội còn lại của đại đội ngày ấy lại "tập hợp" ở nhà bố tôi cùng ôn lại kỷ niệm. Những người cựu chiến binh tóc bạc, da mồi, đã lên ông lên bà, bỏ bên ngoài cánh cửa đồng đội chức tước, địa vị để cùng ôn lại kỷ niệm của một thời trẻ trai.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

Những người lính của một thời nâng chén rượu đầu xuân chúc sức khỏe nhau và luôn dành một chén để "mời" những người đồng đội không trở về. 

Những người lính già ôn lại bữa cơm chiến trường. Giữa bom đạn, mùi khen khét của khói súng, những người lính vẫn ăn bữa cơm vội, cùng kể chuyện gia đình, về người thân, về một cô bạn gái đang nhung nhớ.

Bố tôi kể, mọi người dường như chỉ tưởng tượng ra tương lai tươi đẹp mà quên đi những khốc liệt đang diễn ra bên ngoài chiến hào. Chỉ khi pháo địch nổ trước cửa hầm, tất cả lặng đi. Sau tiếng nổ chát chúa đó, ai cũng tưởng mình đã “sang thế giới bên kia”, một bầu không khí đặc quánh khói bom pha lẫn với mùi tanh của máu.

Ngay bên cạnh mình người đồng đội vừa cười, nói, miếng cơm còn chưa kịp trôi qua miệng mà bị đạn xuyên qua, ánh mắt còn bàng hoàng không khép. Tất cả ôm lấy nhau gọi tên người đồng đội vừa ra đi, người vuốt  mắt, người vuốt  miếng cơm cho đồng đội của mình, nuốt đau thương và đưa liệt sĩ đi chôn. Mọi thứ đều quen thuộc và chóng vánh, nấm mộ đắp đơn sơ với miếng gỗ còn nghuệch ngoạc tên người lính vừa ngã xuống.

Bố tôi ngồi đó,kể mà như tâm sự về những tiếng í ới gọi nhau: “mày ơi, có thấy cánh tay của thằng Vinh không, tìm về đây cho đủ bộ. Mày ơi, tai thằng Cường mất một bên rồi, thôi cứ để như thế mà niệm nhé. Chúng mày ơi, chúng mày đi trước nhé, tao lo cho chúng mày tử tế, ngày mai đến lần tao không biết ai lo cho tao, không khéo lại mất mộ”.

Có những liệt sĩ giây phút lâm chung không để lại di ngôn gì mà chỉ cầm tay đồng đội nhắn nhanh “cô ấy sẽ ở vậy mà không lấy ai đâu, nếu mày chưa hẹn ai, mày thương tao về lấy cô ấy nhé”. Với mỗi người lính, đồng đội chính là máu thịt, là gia đình. Đến những lời cuối cùng cũng dành điều tốt đẹp cho người ở lại.

Sau khi lo cho các đồng đội được “áo bào thay chiếu anh về đất", đồng đội giơ tay chào vĩnh biệt những người bạn đã “đi trước” và hẹn ngày mai “gặp lại”, chúng ta sẽ vẫn là đồng đội, vẫn chiến đấu cho độc lập dân tộc.  

Những người lính kể giọng bình thản, chén rượu nhấp trên môi nhưng những người ngồi bên cạnh đều nghẹn đắng và nước mắt ngân ngấn.

Chợt thấy,  anh hùng không phải quá xa xôi, anh hùng cụ thể như những gì mà lớp trẻ chúng tôi đang chứng kiến qua lời kể của những cựu chiến binh già. 

Bố tôi nói, ngày ấy tình yêu Tổ Quốc chính là lý tưởng sống, là ánh sáng dẫn đường. Cảm giác được chết và hy sinh cho Tổ quốc là niềm vinh dự, may mắn. Họ vĩnh biệt đồng đội nhưng lại thấy “ghen tị” với đồng đội mình. Những người lính ấy, họ chưa giây phút nào sợ hãi trước kẻ thù, trước cái chết.

Bố tôi nói, ngày ấy chỉ mong hòa bình cho người ở nhà được có cuộc sống hạnh phúc, bình an. Ngày nay, chỉ mong những người con của những chiến sĩ được mạnh khỏe, yêu nước bằng cách cống hiến cho đất nước ngày một phát triển.

Bố tôi nói, thời ấy xương máu của đồng đội của bố đổ xuống không hề mong Tổ quốc phải ghi ơn. Đó là lý tưởng sống và trách nhiệm lịch sử của thế hệ của ông, mỗi một thế hệ có một vai trò lịch sử khác nhau. Ngày nay, trách nhiệm của thế hệ trẻ, những thế hệ hòa bình hãy yêu nước theo cách của riêng mình. Yêu nước là cống hiến cho đất nước ngày một lớn mạnh sánh nganh với các nước trong khu vực.

Hôm nay, 40 năm ngày chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng tôi - thế hệ tiếp nối - xin được kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng đã ngã xuống ngày hôm qua.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc]: Hồi ức của một người lính tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711671461 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711671461 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10