Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có báo cáo rõ về việc mở đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc nửa đêm, báo cáo trước ngày 18/4.
Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo về việc mở đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo lúc nửa đêm gây khó, ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2969/VPCP-KTTH dẫn lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có báo cáo rõ về việc này.
Công văn nêu rõ, vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan và việc một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 3 văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Trong đó nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương trong việc này.
Báo cáo mua dự trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827/VPCP-KTTH ngày 14/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hai Bộ Tài chính, Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung trên trước ngày 18/4/2020.
Có thể bạn quan tâm
04:08, 15/04/2020
15:24, 14/04/2020
21:00, 13/04/2020
15:25, 13/04/2020
05:00, 13/04/2020
Cũng trong ngày 15/4/2020, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 2953/VPCP-KTTH gửi Bộ Công Thương liên quan đến các kiến nghị của các địa phương xung quanh việc xuất khẩu gạo.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã nhận được kiến nghị của UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh An Giang và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về việc xuất khẩu gạo, trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nếp.
Căn cứ quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị của UBND các tỉnh Long An, An Giang, báo cáo tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và đề xuất phương án xuất khẩu gạo trong tháng 5, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Công Thương sau đó có văn bản hoả tốc gửi Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính về việc xuất khẩu gạo nếp. Bộ Công Thương đề nghị hai bộ này cho ý kiến về việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không. Cùng với đó là đề nghị đánh giá tác động, ảnh hưởng của gạo nếp trồng tại tỉnh Long An và tỉnh An Giang đối với an ninh lương thực quốc gia.
Trước đó, như DĐDN đã đưa tin, chỉ sau vài giờ từ 0-3 giờ sáng ngày 12/4, cổng kê khai hải quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan đã xử lý xong hồ sơ khai báo hải quan của 42 doanh nghiệp xuất khẩu với số lượng gạo đăng ký đạt 399.999,73 tấn, hạn ngạch còn lại là 0,27 tấn.
Như vậy, trong vòng 180 phút hải quan xử lý xong 42 hồ sơ, trung bình chỉ mất 4 phút để xử lý xong một hồ sơ đăng ký mở tờ khai hai quan, quả thật là tốc độ quá “thần tốc”. Các doanh nghiệp rất "bức xúc" khi vừa tiếp nhận thông tin đã "hết lượt" đăng ký.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã đặt nghi vấn, động thái làm việc không theo giờ hành chính như quy định, làm cả ban đêm và rơi vào ngày nghỉ; số lượng 400.000 tấn thông quan không phải là con số ít mà ngành hải quan chỉ giải quyết trong vòng 3 giờ thì đã hoàn tất, như vậy có chăng sự thiếu minh bạch “đi đêm” trong cấp quota, làm thủ thủ tục thông quan xuất khẩu của lực lượng hải quan?”.
Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Hiệp hội lương thực Việt Nam vào hôm nay 15/4, số lượng gạo kẹt ở các cảng lên đến 300.000 tấn. Do đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam thay mặt hội viên đề nghị ưu tiên thông quan các lô hàng kẹt ở các cảng và hủy toàn bộ tờ khai của thương nhân khai khống số lượng, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy ra gạo) của gạo nếp tại tỉnh Long An và An Giang theo từng vụ.
Đồng thời hai bộ cho cho ý kiến về đề nghị việc xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới. Để kịp thời báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị hai bộ gửi văn bản tham gia ý kiến trước ngày 16/4.