Ngày 5/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.
Do tình hình dịch bệnh COVID 19 nên sự kiện công bố PCI 2019 sẽ được VCCI thực hiện trực tuyến tại website của PCI: www.pcivietnam.vn, website VCCI www.vcci.com.vn, website Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp https://enternews.vn/ vào sáng ngày 5/5.
Đây là năm thứ 15 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 địa phương tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
18:25, 20/02/2020
12:57, 04/02/2020
00:00, 18/12/2019
13:16, 29/11/2019
08:35, 13/11/2019
14:19, 07/10/2019
11:00, 30/07/2019
Đây là cuộc điều tra lấy mẫu ngẫu nhiên, được thực hiện bài bản và khoa học theo các chuẩn mực cao của thế giới. Điều tra PCI có thể xem là cuộc điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Việt Nam hàng năm.
Bên cạnh bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố như thường lệ, báo cáo PCI 2019 còn đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như cải cách thủ tục hành chính, mức độ minh bạch, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải…
Báo cáo PCI cũng phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, vấn đề thanh, kiểm tra và gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hoá trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo các tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.
10 lợi ích chính của PCI 1. Tạo động lực thay đổi: Tác động lớn nhất của PCI là thúc đẩy chính quyền các tỉnh, thành phố Việt Nam nâng cao chất lượng điều hành kinh tế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc công bố báo cáo PCI hàng năm đã tạo nhu cầu tự thân cho chính quyền cấp tỉnh phải thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá các vấn đề tồn tại trong công tác điều hành kinh tế địa phương, từ đó có kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh của mình. 2. Chuyển đổi tư duy: Là chỉ số đánh giá về chất lượng điều hành, PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy của các tỉnh, thành phố: Đó là cần tập trung vào cải cách chất lượng điều hành, như là một hoạt động quan trọng, cần ưu tiên triển khai thường xuyên, liên tục. 3. Cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng: Điều tra của PCI hàng năm cung cấp nhiều thông tin về môi trường kinh doanh tại địa phương, đây là cơ sở quan trọng để các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư sử dụng trong quyết định đầu tư, kinh doanh. 4. Thúc đẩy đối thoại: PCI là tiếng nói của doanh nghiệp về những vấn đề của họ tại địa phương. Thông tin từ PCI sẽ thúc đẩy các hoạt động đối thoại giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp. 5. Trao quyền cho doanh nghiệp: Từng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, rất ít và rất khó phản ánh những khó khăn của mình lên chính quyền, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm. PCI chính là tập hợp tiếng nói mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân về những vấn đề quan trọng trong môi trường kinh doanh mà chính quyền cần thay đổi. 6. Kênh hiệu quả giúp giảm nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp: Qua phản ánh của các doanh nghiệp, PCI giúp nhận diện vấn đề nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính ở địa phương, trong từng các lĩnh vực cụ thể, với nhiều chỉ tiêu có thể theo dõi theo thời gian từ đó có thông tin để đề xuất chính quyền các tỉnh, thành phố lựa chọn các giải pháp xử lý. PCI được nhiều chuyên gia đánh giá là công cụ quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay để các doanh nghiệp thẳng thắn tiếp cận về chủ đề nhạy cảm này 7. Thúc đẩy tính minh bạch: Báo cáo và các dữ liệu PCI được đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên trang web của Dự án PCI, giúp nhà đầu tư và các bên quan tâm có thể tiếp cận để tìm hiểu, đánh giá về môi trường kinh doanh tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. 8. Chuyển tải các ý tưởng cải cách: PCI cổ vũ và làm lan toả các mô hình cải cách tại Việt Nam từ tỉnh thành công sang nhiều tỉnh thành phố khác. Các mô hình nhân rộng thời gian qua như mô hình một cửa liên thông trong thủ tục đầu tư tại cấp tỉnh, nghiên cứu đánh giá các sở ngành huyện thị (DDCI), cafe doanh nhân… 9. Thúc đẩy sử dụng bằng chứng thực chứng trong xây dựng và thực thi chính sách: Qua PCI, các tỉnh, thành phố Việt Nam đã và đang làm quen với cách xây dựng, giám sát thực hiện và đánh giá hiệu quả chính sách cần có các số liệu làm căn cứ. Dữ liệu từ điều tra PCI đã được sử dụng rộng rãi trong các báo cáo, văn bản chính sách cấp tỉnh. 10. Định hướng đầu tư công: Từ kết quả công bố PCI, đặc biệt là các thông tin về chất lượng thủ tục hành chính, nhiều địa phương có thêm động lực và định hướng đầu tư công phù hợp như triệt để áp dụng công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng website hay xây dựng phần mềm trong giao dịch với doanh nghiệp. |