Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất 5 giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.
Những đề xuất, kiến nghị nói trên của NHNN được đưa ra tại Hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính- Cải thiện chỉ số tiến cận tín dụng" do Báo DĐDN- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị chuyên môn của NHNN tổ chức chiều nay (20/4) tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết: Trong thời gian qua, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hoạt động cho vay; điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, NHNN cũng đã triển khai các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về vốn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
14:18, 20/04/2018
12:14, 20/04/2018
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình cho vay đối với người dân, doanh nghiệp còn một số khó khăn.
Về phía thị trường và khách hàng vay vốn, thị trường đầu ra thiếu ổn định trong khi các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân và doanh nghiệp, do đó hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của người dân và ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay của các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh như chính sách đất đai, thuế,...tại một số địa phương chưa được quan tâm kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Đối với cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tài sản đảm bảo cho khoản vay thường là đất nông nghiệp có giá trị thấp, trong khi tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; Các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn thiếu nên hiệu quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực này còn thấp; Năng lực tài chính của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, phương án sản xuất kinh doanh chưa khả thi, khả năng hoàn vốn thấp...; Còn thiếu các mô hình liên kết có hiệu quả trong nông nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đáp ứng quy định chưa nhiều.
Đối với cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp còn hạn chế.
Đáng lưu ý, hiệu quả đầu tư tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa cao do phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV thường mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chiến lược cụ thể, sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi nền kinh tế còn tiềm ẩn sự bấp bênh, thiếu ổn định, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.
Trước khi Luật hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn được ban hành, các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính còn nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Về phía các tổ chức tín dụng phải thực hiện chính sách lãi suất hợp lý, đồng thời đáp ứng nhiều mục tiêu như đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền tiết kiệm, lãi suất ưu đãi của các chương trình tín dụng trọng điểm... Bên cạnh đó, việc cho vay phải đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN và quy định pháp luật liên quan, đảm bảo hiệu quả và an toàn vốn vay.
Tuy nhiên trong điều kiện cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng gay gắt, các ngân hàng chưa thực sự cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, mà vẫn còn khá phổ biến tình trạng cạnh tranh bằng lãi suất.
Trong khi đó, rủi ro của người dân, doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, thiên tai, dịch bệnh... cũng chính là rủi ro của tổ chức tín dụng khi ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng.
Từ những thực tế trên, NHNN đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp:
Một là, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 33/NQ-CP, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Hai là, thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Ba là, tiếp tục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình cho vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng.
Bốn là, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng cũng như các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp người dân, doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro.
Năm là, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV.
Đồng thời, NHNN kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ các quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và các văn hướng dẫn Luật, đặc biệt là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ; đồng thời căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, xây dựng các công cụ phòng ngừa rủi ro trong nông nghiệp, quy định rõ ràng tiêu chí xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch… Đối với UBND các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hoàn tất hồ sơ vay vốn ngân hàng; tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật hỗ trợ DNNVV và hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi hành án và quá trình xử lý tài sản đảm bảo đối với các tài sản đã có quyết định thi hành án, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn.