Đại diện 4 ngân hàng: VietinBank, BIDV, AgriBank, VPBank đã ký kết hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận.
Theo đó, tổng vốn cam kết tín dụng của các ngân hàng dành cho dự án này là 6.686 tỷ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, AgriBank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng. Như vậy, sau thời gian dài bế tắc thì dòng vốn cho dự án cũng đã được khơi thông.
Ông Trần Minh Bình - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank cho biết “Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án giao thông quan trọng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một chủ trương lớn của Chính phủ. Do đó Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn đồng thuận và chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Việc tài trợ hợp vốn của các ngân hàng nhằm hiện thực hóa nguồn vốn tín dụng trong cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư đã được phê duyệt”.
Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã khởi động vào năm 2009, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm công trình đạt khối lượng rất thấp vì có những lúc phải dừng thi công mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn.
Từ tháng 4/2019 Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia dự án để bổ sung năng lực điều hành cho doanh nghiệp dự án. Chính phủ cũng cho phép chuyển Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, dự án được tái khởi động.
Hồ sơ điều chỉnh dự án đến nay đã hoàn thành, được Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang thẩm định và phê duyệt. Dự án cũng đã được Kiểm toán Nhà nước vào làm việc, soát xét 2 lần, đó là cơ sở để loại các nhà đầu tư không đồng như Công ty Yên Khánh, tái cơ cấu liên danh doanh nghiệp dự án.
“Tổng vốn đầu tư dự án được phê duyệt tăng lên mức 12.668 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết của doanh nghiệp dự án đạt tối thiểu 3.400 tỷ đồng, và hôm nay 4 ngân hàng đã cam kết hợp vốn cho dự án này 6.686 tỷ đồng. Như vậy đến thời điểm này dự án vẫn còn hụt gần 400 tỷ đồng. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc xin phép cơ quan có thẩm quyền để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gọi thêm nguồn vốn đầu tư dự án này. Vừa qua dự án đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước rót về. Phần còn lại, chúng tôi tiếp tục kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyềncó kế hoạch giải ngân sớm cho dự án để thúc đẩy tiến độ. Để đảm bảo tiến độ thông xe vào cuối năm 2020 chúng tôi đang bố trí 3 ca làm việc không nghỉ sẽ cho công nhân ăn Tết trên công trường ”, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết.
Có thể bạn quan tâm
19:05, 27/08/2019
11:05, 09/08/2019
15:38, 20/02/2019
19:01, 20/02/2019
16:01, 23/07/2019
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51,1 km, khi tuyến đường này hoàn thành cùng với dự án cao tốc Trung Lương-TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thành cách nay 10 năm sẽ rút ngắn thời gian di chuyển bằng ô tô từ các tỉnh miền Tây-ĐBSCL lên TP.Hồ Chí Minh chỉ còn hơn 2 giờ. Tiếp theo đó, Chính phủ cũng đã có chủ trương đầu tư nối tuyến cao tốc này đến Cần Thơ và Cà Mau. Đây được xem là tuyến đường huyết mạch quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội cho cả vùng ĐBSCL.
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết tín dụng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: cả nước đã có trên 1.000km cao tốc được xây dựng nhưng vùng ĐBSCL chỉ có 50 km. Trong khi vùng này đảm trách đến 90% gạo, 60-70% thủy sản, trái cây xuất khẩu. Do kết nối các phương thức vận tải còn hạn chế nên chi phí logistics rất cao làm cho nông, thủy sản nơi đây yếu sức cạnh tranh không chỉ ở nội địa mà còn cả thị trường thế giới. Chính vì thế tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và các tuyến cao tốc khác tại vùng ĐBSCL trở nên rất quan trọng thúc đẩy phát triển vùng. Cho nên việc thu xếp được nguồn vốn cho dự án là tin vui cho 20 triệu người dân ĐBSCL.
"Hiện nay tuyến cao tốc từ Mỹ Thuận-Cần Thơ cũng đang được Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) rốt ráo triển khai công tác đầu tư. Dự kiến tháng 7/2020, dự án sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, để cuối năm 2020 khởi công xây dựng và thông tuyến vào cuối năm 2022, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ hơn 900 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này", Thứ trưởng Nhật nói.