Marketing là một khái niệm rất rộng và phức tạp.
Những phương pháp được ứng dụng dường như là vô tận để tiếp cận với đối tượng và tăng cảm xúc với thương hiệu trong mindset của khách hàng. Nếu như bạn chưa biết mình cần làm cách nào, thì bạn nhất định phải biết mình không được làm gì!
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một Case study nhỏ. Năm ngoái, một cửa hàng Pizza Domino nhượng quyền của Nga đã tạo ra chiến dịch mang tên “Domino’s Forever“. Cụ thể nội dung của chiến dịch là bất cứ khách hàng nào xăm hình logo của hãng Domino trên da, họ sẽ nhận được 100 chiếc pizza miễn phí mỗi năm trong vòng 100 năm. Ban đầu, chiến dịch này đã tạo một “cơn sốt” lớn. Quả thực đã có hàng trăm khách hàng tham gia và họ xăm hình lên cơ thể mình.
Thế nhưng, khi khách hàng đã có hình xăm logo của Domino, thì hãng bắt đầu “lật kèo”. Họ đặt ra các quy chuẩn giới hạn về hình xăm. Ví dụ như kích cỡ của hình xăm, hiểu nôm na thì họ bắt hình xăm phải đúng chuẩn xác kích cỡ yêu cầu. Và rồi điều gì đến cũng đã đến, khách hàng bắt đầu nổi giận và phát điên! Chắc chắn rằng sai lầm này của Domino sẽ rất khó bị lãng quên.
Dựa theo báo cáo của tờ Washington Post, khách hàng sẽ bị tác động mạnh bởi những hành vi tiêu cực từ nhãn hàng hơn là những hành động mang tính tích cực. Do đó, nếu bạn là một marketers, làm ơn hãy nhớ rằng, thật sự khó để gây ấn tượng tốt đối với khách hàng nhưng sẽ rất đơn giản nếu bạn muốn làm xấu hình ảnh thương hiệu của mình. Đừng học theo 6 điều sai lầm dưới đây, nếu bạn không muốn gặp thất bại trong marketing như Domino nhé!
1. Phục vụ khách hàng “dập khuôn”
Mỗi khách hàng là một cá thể khác nhau, hãy luôn luôn nhớ điều đó. Đã qua rất lâu rồi từ cái thời mà “mọi khách hàng như một”. Dựa theo một báo cáo của Segment về tính cá nhân hóa gần đây, một nửa khách hàng được khảo sát cho biết họ sẽ lặp lại hành vi tiêu dùng với nhãn hàng nào đề cao tính cá nhân hóa.
Nếu bạn chưa thực sự thu thập dữ liệu về khách hàng của mình, cũng như sử dụng dữ liệu đó để nhắm đến các đối tượng nhân khẩu học đặc biệt, thì giờ chính là thời điểm để các Marketer thực hiện điều đó. Hãy làm việc research khách hàng một cách triệt để. Ví dụ như gọi tên chính xác của khách hàng khi bạn gửi mỗi email marketing, thấu hiểu hơn đến những vấn đề mà họ đang quan tâm chẳng hạn.
2. Tiếp thị bằng “giấy mực”
Điều gì sẽ xảy ra nếu như các tờ rơi liên tục được gửi đến gia đình bạn? Hay như một công ty, một nhóm tôn giáo, hoặc một tổ chức dán các “poster” tại khu vực nơi bạn sinh sống? Liệu rằng bạn có đọc chúng không? Khá là chắc bạn sẽ chẳng thèm đoái hoài đến đâu!
Đây chính là lý do vì sao các chuyên gia marketing đang tránh xa các hình thức tiếp thị bằng giấy như tờ rơi, poster, brochure… Thực sự chiến thuật marketing lỗi thời này gây ra sự lãng phí về tiền bạc, thời gian mà còn không hiệu quả. Mặt khác, Digital Marketing, sẽ là hình thức nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
3. Sản xuất video quảng cáo “lố”
Bạn đã bao giờ xem video “This Is a Generic Brand Video” của Dissolve chưa? Hãy search ngay trên youtube đi vì nó thực sự đáng xem. Đoạn clip này đã nói lên được mấu chốt của các clip quảng cáo cần phải có: Đừng thêm thắt quá nhiều những điều viển vông.
Dường như trong khoảng thời gian hiện tại, các video có nội dung làm lố, phóng đại, sử dụng những từ ngữ mơ hồ xa rời thực tế chêm nền nhạc “tưởng như là gợi về tương lai tươi sáng” đã hết thời rồi. Những video kiểu vậy đã có quá nhiều và khách hàng thực sự không thích điều này.
Rohan Sheth, nhà sáng lập và CEO của Grow Rev Digital, đã viết trên blog rằng “91% khách hàng đã xem những đoạn clip về sản phẩm và dịch vụ mà họ thực sự quan tâm. Họ luôn có xu hướng muốn biết thêm những giá trị thực sự mà video của bạn đem đến cho họ. Nó phải thực sự có ích và giúp họ có lòng tin cũng như thay đổi trong hành vi mua hàng. Nếu không, khách hàng sẽ dừng việc xem quảng cáo của bạn và đi tìm một nhãn hàng khác.”
4. Dùng công cụ mạng xã hội chỉ để “đẩy sale”
Nếu bạn sử dụng mạng xã hội chỉ như công cụ giúp bạn quảng cáo, thì bạn sẽ rất dễ mất khách hàng. Vẫn biết rằng tiếp thị trên các mạng xã hội sẽ tạo ra thành công, thậm chí theo nghiên cứu của Sprout Social, có đến 77% khách hàng mua những sản phẩm từ nhãn hàng mà họ theo dõi trên mạng xã hội.
Thế nhưng, kiếm tiền không bao giờ nên là mục đích duy nhất của các mạng xã hội. Các marketer khôn ngoan nên nhớ rằng, chúng ta còn cần tạo ra một cộng đồng khách hàng, cung cấp cho họ thông tin hữu ích bên cạnh những chương trình sale “béo bở”.
Sau cùng, như một hệ lụy tất yếu, khách hàng sẽ “chạy xa” các nhãn hàng mà lúc nào cũng chỉ “giảm giá”, “khuyến mại” trên mạng xã hội. Trước khi thực hiện các chiến dịch khuyến mại như vậy trên mạng xã hội, hãy quan tâm hơn tới việc làm sao để nội dung trên mạng xã hội tiếp cận được nhiều người và thương hiệu của bạn được lan tỏa tích cực hơn.
5. Bài trừ Email Marketing
Một vài người nghĩ rằng email marketing đã không còn “hợp thời”, nhưng thực tế thì chưa ai chứng minh được cả. Theo bài đăng của blogger Keala Kanae – đồng sáng lập và CEO của AWOL Academy, ông viết rằng “Với tư cách của một chủ doanh nghiệp hiện thời, bạn đừng để sức hút của mạng xã hội đánh lừa rằng email marketing đã “chết”.”
Thực sự mà nói, tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của bạn bằng email có thể là một phương pháp nhanh chóng, dễ quản lý và tiết kiệm chi phí trong việc tiếp cận khách hàng mới cũng như giữ chân các khách hàng cũ.
Một ví dụ của hiệu quả tốt từ email marketing là dự án “Dell’s Marketing Sherpa Email”. Dell đã sử dụng các hình ảnh hoạt hình hấp dẫn lôi kéo người xem và dẫn họ về kênh bán hàng. Nhờ việc chiến dịch tập trung vào GIF, công ty đã tăng doanh thu lên tới 109%.
6. Không vượt qua những điều căn bản
Có một sự thật là vài chiến thuật của bạn có cái thì dùng ổn, có cái thì chưa thực sự tốt. Digital Marketing luôn thay đổi từng ngày, tức là ngày càng có nhiều các chiến thuật bạn có thể sử dụng hơn. Bạn có thể tin rằng những cách bạn đang sử dụng là tốt, nhưng thực tế thì sẽ còn nhiều cách tuyệt vời hơn nhiều.
Đừng bao giờ dừng lại ở những điều căn bản, những điều mà ai cũng biết, cũng làm. Bạn càng nghiên cứu, phân tích những phương pháp mới nhiều, bạn càng tăng chỉ số ROI của mình. (ROI: Return on investment – tỉ lệ lợi nhuận so với chi phí đầu tư)
7. Lưu ý nhỏ: Đừng để xảy ra các sai lầm marketing
Dẫu biết những sai lầm trong tiếp thị là điều khó tránh khỏi, nhưng bạn nhất định phải giảm thiểu nó nhiều nhất có thể. Khách hàng có thể tha thứ, nhưng họ sẽ không bao giờ quên.
Cùng nhìn lại một case của hãng thời trang H&M. Năm ngoái, nhà bán lẻ này đã công bố một bức ảnh cậu bé người Mỹ gốc Phi mặc áo hoodie với dòng chữ “Chú khỉ ngầu nhất rừng xanh”. Điều này đã gây làn sóng phẫn nộ lớn trong cộng đồng mạng.
Và rồi, dù mới chỉ đăng quảng cáo ở 1 quốc gia, sự cố truyền thông này đã lan ra nhanh chóng toàn thế giới. H&M sau đó đã phải thuê một nhà lãnh đạo đa tôn giáo để bác bỏ các cáo buộc về phân biệt chủng tộc của nhãn hàng.
Những chiến thuật marketing lỗi thời sẽ không phải lúc nào cũng gây ra những khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên, nó cũng sẽ không giúp bạn thu hút khách hàng. Hãy cung cấp những gì mà khách hàng của bạn muốn và cải thiện lợi nhuận bằng chiến lược marketing khôn ngoan, hợp thời và sáng tạo.