Phân tích - Bình luận

6 chữ "S" cho đổi mới sáng tạo - bài học từ Singapore

Trường Đặng 21/02/2025 10:31

Singapore đã chứng tỏ sự đổi mới sáng tạo có thể đến từ chính sách nhà ở xã hội hay quyết tâm cải thiện năng suất, gắn kết xã hội và tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

15.png
Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu 2025 (VGIC 2025) được tổ chức tại Singapore

Nhà ở xã hội – nền tảng của đổi mới sáng tạo

Ở Singapore, nhà ở xã hội (NƠXH) không chỉ đơn thuần là nơi ở mà còn là nền tảng giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Trình bày tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu 2025 (VGIC 2025) tại Singapore, GS, TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho rằng chính sách NƠXH đã đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết người dân với đất nước, làm tiền đề cho quốc đảo này tăng năng suất lao động và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bởi vì, khi sở hữu nhà, người dân sẽ có động lực cống hiến cho xã hội, đồng thời tạo ra sự ổn định về mặt chính trị và kinh tế.

"Sở hữu một ngôi nhà gắn bó với chế độ, gắn bó với xã hội, gắn bó đất nước. Nhà ở thiêng liêng như vậy", GS Khương nói và cho biết thêm: Tính công dân ở Singapore cao hơn rất nhiều cũng lý do đó. Nếu người dân chui rúc trong các nhà ổ chuột, thì dễ ra đường đánh nhau, bực tức. Ngôi nhà là nơi nuôi dưỡng phẩm giá, chứ không phải chỉ là lên giá.

Với 85% dân số sống ổn định trong NƠXH, Singapore có thể tối ưu hóa hiệu suất lao động, trở thành một đô thị có nhiều điều kiện phát triển kinh tế.

Những chữ "S" cho đổi mới sáng tạo

Tại chương trình diễn ra tại công ty Google, GS, TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo của nước này bắt nguồn từ tinh thần "sống còn" (survival). Là một quốc gia nhỏ bé, không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore buộc phải tự tìm cách để tồn tại. Chính tư duy này giúp họ không ngừng tìm kiếm những giải pháp đột phá và dám thử nghiệm những ý tưởng mới.

"Họ không chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài mà chủ động khai thác tối đa lợi thế của mình, từ vị trí địa lý đến nguồn nhân lực," ông Khương nói.

Thứ hai, chiến lược (strategy) đóng vai trò quan trọng trong thành công của Singapore. Một chiến lược đúng đắn không chỉ giúp tận dụng cơ hội mà còn biến thách thức thành lợi thế.

Singapore đối mặt với nhiều thách thức như diện tích nhỏ, dân số đa sắc tộc, thiếu tài nguyên. Tuy nhiên, họ đã biến những yếu tố này thành động lực phát triển. Quy hoạch đô thị được tối ưu hóa để tận dụng từng mét vuông đất, chính sách đoàn kết dân tộc giúp xây dựng xã hội ổn định, trong khi đầu tư vào công nghệ và giáo dục tạo ra giá trị bền vững thay vì phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Về cấu trúc bộ máy, Singapore xây dựng một hệ thống quản lý vận hành như một đội bóng giỏi, nơi mỗi thành viên đều có vai trò rõ ràng và phối hợp nhịp nhàng để đạt được mục tiêu chung.

GS, TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh rằng nếu bộ máy tổ chức không chặt chẽ, thì dù có chính sách tốt đến đâu, hiệu quả cũng sẽ suy giảm. Thay vì để các cơ quan hoạt động rời rạc, Singapore thiết kế hệ thống phối hợp mạch lạc giữa các bộ phận, giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết và tối ưu hóa quy trình ra quyết định.

Công thức của Singapore là học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu thế giới để đưa ra quyết định chính xác (Ảnh: Airswift)

Một nguyên tắc quan trọng khác của Singapore là "Stewardship Appointment" – lựa chọn và bổ nhiệm người lãnh đạo phù hợp với từng sứ mệnh. Họ không chỉ chọn người giỏi mà còn đặt họ vào đúng vị trí để tạo ra tác động lớn nhất.

Ví dụ, khi quyết định làm sạch sông Singapore, chính phủ đã giao nhiệm vụ này cho một nhóm chuyên gia có năng lực cao, với kế hoạch rõ ràng và cam kết mạnh mẽ. Kết quả là chỉ trong vòng một thập kỷ, Singapore đã biến con sông ô nhiễm thành biểu tượng xanh – sạch – đẹp của thành phố.

Sự thông tuệ và sức mạnh cộng hưởng (saga and synergy) là hai yếu tố khác giúp Singapore luôn dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo. Việc thừa nhận những yếu tố khách quan khiến đất nước mình không thể giỏi mọi thứ, Singapore đã lựa chọn công thức học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu thế giới để đưa ra quyết định chính xác.

Thay vì phát triển đơn lẻ, Singapore hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn, các trường đại học danh tiếng để tận dụng tri thức và công nghệ tiên tiến nhất. Đây là cách họ xây dựng các ngành công nghiệp mũi nhọn như tài chính, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo.

Bền vững (Sustainability) là nguyên tắc cốt lõi giúp Singapore duy trì thành quả đổi mới sáng tạo. Họ không chỉ phát triển nhanh mà còn đảm bảo sự bền vững trong dài hạn, bằng cách cân nhắc yếu tố môi trường, xã hội và con người trong mọi chính sách.

Mặc dù đô thị hóa nhanh, Singapore vẫn giữ được màu xanh với nhiều công viên, tòa nhà thân thiện với môi trường. Chính phủ cũng đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, đảm bảo phát triển mà không gây tổn hại đến môi trường.

Bài học từ Singapore cho thấy rằng đổi mới sáng tạo không chỉ là công nghệ hay sản phẩm mới, mà còn là một hệ thống tư duy, chiến lược và tổ chức. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những nguyên tắc này để phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu và kiến tạo một nền kinh tế tri thức vững mạnh.

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (Vietnam Global Innovation Connect – VGIC 2025) diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 2 năm 2025 tại Singapore, do AVSE Global – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu phối hợp cùng Ban Liên lạc Cộng Đồng Người Việt Nam tại Singapore (VNAS) tổ chức.

VGIC 2025 diễn ra tại Google Châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ TOP 100 INNOVATORS, những nhà đổi mới xuất sắc cùng thảo luận về ba lĩnh vực then chốt có tính chiến lược và cấp thiết đối với Việt Nam: Công nghệ bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tài chính. Đặc biệt, diễn đàn sẽ vinh danh các cá nhân có đóng góp to lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghệ trên thế giới và tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
6 chữ "S" cho đổi mới sáng tạo - bài học từ Singapore
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO