Singapore đã tiến xa hơn Hong Kong trong nỗ lực định hình một trung tâm tài sản số của châu Á vào năm 2024.
Trong năm 2024, Singapore đã cấp 13 giấy phép tiền mã hóa cho hàng loạt nhà vận hành tiền mã hóa, bao gồm các sàn giao dịch hàng đầu như OKX và Upbit, cũng như các tên tuổi lớn toàn cầu như Anchorage, BitGo và GSR. Con số này nhiều hơn gấp đôi số giấy phép mà nước này đã cấp năm trước. Trong khi đó, chế độ cấp phép tương tự tại Hong Kong vẫn tiến triển chậm chạp.
Cả Singapore và Hong Kong đều đang cố gắng thu hút các công ty tài sản kỹ thuật số đến đặt chân bằng các chế độ riêng biệt, các dự án mã hóa token và các cơ chế thử nghiệm (sandbox). Chính quyền địa phương nhìn thấy tiềm năng của tiền mã hóa trong việc tăng sức hấp dẫn của các khu vực này như những trung tâm kinh doanh toàn cầu, nhưng tiến độ lại không đồng đều.
“Chế độ quản lý sàn giao dịch của Hong Kong có nhiều hạn chế hơn ở một số khía cạnh quan trọng — chẳng hạn như việc lưu ký tài sản khách hàng và chính sách niêm yết hoặc gỡ bỏ token,” bà Angela Ang, cố vấn chính sách cấp cao tại công ty tư vấn TRM Labs cho biết.
Tại Hong Kong, quá trình phê duyệt diễn ra chậm hơn mong đợi và các cơ quan quản lý đã bày tỏ ý định cấp phép thêm nhiều sàn giao dịch trước cuối năm. Đến nay, thành phố này đã cấp giấy phép hoàn chỉnh cho tổng cộng 7 nền tảng, trong đó có 4 nền tảng nhận được sự chấp thuận — với một số hạn chế — vào ngày 18 tháng 12. Ngoài ra, có 7 nền tảng khác đang giữ giấy phép tạm thời. Các sàn giao dịch nổi bật như OKX và Bybit đã rút đơn xin cấp phép tại Hong Kong.
Hong Kong chỉ cho phép giao dịch các loại tiền mã hóa có thanh khoản cao nhất như Bitcoin và Ether, trong khi hạn chế nhà đầu tư giao dịch các token nhỏ và biến động hơn, được gọi là altcoin (alternative coin – đồng tiền số thay thế).
“Đây là một tiêu chuẩn rất cao để đáp ứng và đạt lợi nhuận,” ông Roger Li, đồng sáng lập One Satoshi — chuỗi cửa hàng tại Hong Kong cung cấp dịch vụ chuyển đổi giữa tiền mặt và tiền mã hóa qua giao dịch trực tiếp — cho biết.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến các công ty tài sản kỹ thuật số khi cân nhắc mở rộng tại châu Á là ảnh hưởng của Trung Quốc, nơi giao dịch tiền mã hóa bị cấm. "Chế độ hành chính đặc biệt của Hong Kong có hồ sơ rủi ro khác biệt so với các quốc gia khác", ông David Rogers, Giám đốc điều hành khu vực của công ty tạo lập thị trường B2C2 Ltd., công ty đã xin cấp phép tại Singapore, cho biết.
Môi trường hỗ trợ tài sản kỹ thuật số của Singapore khiến nó trở thành một “lựa chọn an toàn, lâu dài” để làm trung tâm khu vực, ông Rogers nói và nhấn mạnh đây là một cách tiếp cận đã được điều chỉnh rủi ro mà chúng tôi đang áp dụng.
Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) vào tháng 11 đã công bố kế hoạch hỗ trợ thương mại hóa mã hóa tài sản thông qua Dự án Guardian và Global Layer 1, hai sáng kiến được Nhà nước hậu thuẫn. Hong Kong đã giám sát việc bán trái phiếu xanh kỹ thuật số trị giá 6 tỷ HKD (770 triệu USD) bằng nền tảng mã hóa của HSBC Holdings Plc.
Hong Kong cũng đã ra mắt các quỹ ETF giao ngay Bitcoin và Ether vào tháng 4, nhưng chúng không tạo được sự hứng khởi đối với các nhà đầu tư như các sản phẩm tương tự tại Mỹ. Các quỹ ETF Bitcoin và Ether của thành phố này chỉ thu hút được khoảng 500 triệu USD, một con số nhỏ so với hơn 120 tỷ USD mà các nhà phát hành tại Mỹ nắm giữ.
“Khung pháp lý của Singapore khuyến khích sự tương tác giữa các công ty mới và các tổ chức đã có tên tuổi,” ông Ben Charoenwong, Phó giáo sư tài chính tại INSEAD cho biết. Trong khi đó, Hong Kong tập trung vào các tổ chức tài chính lớn “tạo ra ít cơ hội hơn cho các công ty mới và hạn chế phạm vi đổi mới.”
Hong Kong bắt đầu cam kết xây dựng trung tâm tài sản số vào năm 2022 nhằm khôi phục vị thế quốc tế của mình sau các cuộc biểu tình đã làm giảm sức hấp dẫn của trung tâm hành chính. Với tiềm năng của tài sản số tương lai, chính quyền Hong Kong đang phát triển khung pháp lý toàn diện cho các hoạt động giao dịch qua quầy (OTC) và lưu ký tài sản số, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành này. Họ cũng triển khai Chỉ số Tài sản Ảo nhằm cung cấp chuẩn mực giá Bitcoin và Ether cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Singapore thể hiện rõ tham vọng trở thành trung tâm tài sản kỹ thuật số toàn cầu từ 2016, với việc khởi động dự án Ubin, một dự án thử nghiệm blockchain trong thanh toán và giao dịch chứng khoán. Đến năm 2022, Singapore tiếp tục khẳng định vị thế bằng các dự án Guardian, tập trung vào việc token hóa tài sản tài chính để tăng hiệu quả và giảm rủi ro trong giao dịch.