Phân tích - Bình luận

Tiền số sẽ được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế?

Đặng Trường thực hiện 04/09/2024 12:00

Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa hoàn tất giao dịch dầu thô đầu tiên bằng tiền số Ripple (XRP) mà không sử dụng đồng USD.

Nguyen Nhat Minh

DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Nhật Minh, giảng viên Đại học RMIT, xung quanh vấn đề này.

- Nếu giao dịch dầu thô bằng tiền kỹ thuật số được thực hiện thành công, theo ông đâu là những lợi ích của mô hình này đối với các nước tham gia?

Nếu Ấn Độ và UAE thực hiện giao dịch dầu thô bằng tiền số XRP, điều này có thể thiết lập một tiền lệ mới cho thương mại quốc tế, với nhiều ý nghĩa và lợi ích trong giao dịch quốc tế cho các nước liên quan.

Đầu tiên, tiền mã hóa có thể giúp đa dạng hóa rủi ro tiền tệ bằng cách giảm thiểu tác động từ biến động tỷ giá USD và đối phó với các chính sách tiền tệ của Mỹ, do tiền mã hóa không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Việc này cũng sẽ giúp các nước tăng cường quyền tự chủ tài chính cho các quốc gia, đặc biệt trong giao dịch dầu mỏ.

Hơn nữa, tiền mã hóa sẽ khuyến khích thương mại song phương, mở ra cơ hội thương mại mới và giảm chi phí chuyển đổi tiền tệ, giúp các quốc gia tiết kiệm chi phí giao dịch.

Cuối cùng, việc sử dụng tiền mã hóa còn có thể tạo tiền đề cho một hệ thống tài chính toàn cầu đa dạng hơn, giúp các quốc gia xây dựng dự trữ tiền số bên cạnh dự trữ ngoại hối truyền thống, tạo điều kiện cho các quốc gia nhỏ hơn tham gia vào hệ thống tài chính quốc tế.

Rộng hơn, chúng ta không thể không nhắc đến những lợi ích mà công nghệ blockchain mang lại, đó là tính minh bạch và bảo mật trong các giao dịch, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận.

ripple.jpg
Gian hàng Ripple tại Hội nghị thượng đỉnh Tuần lễ Blockchain tại Paris năm 2023.

- Với nền tảng hiện tại của mình, Việt Nam sẽ có những lợi ích và rào cản nào nếu có kế hoạch sử dụng tiền số trong giao dịch quốc tế, thưa ông?

Với Việt Nam, mô hình sử dụng tiền mã hóa trong giao dịch quốc tế có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp chúng ta tăng cường hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt khi tài chính số hóa đang trở thành xu hướng, điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp họ tiếp cận thị trường mới và giảm bớt các rào cản tài chính.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền mã hóa có thể giảm chi phí giao dịch quốc tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính quốc tế truyền thống.

Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ blockchain và tiền mã hóa có thể thúc đẩy sự đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tuy nhiên, thách thức cho mô hình này cũng không hề nhỏ. Hạ tầng công nghệ của Việt Nam, mặc dù đã có tiến bộ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để hỗ trợ triển khai mô hình tiền mã hóa trên diện rộng, đảm bảo hiệu suất và bảo mật cho các giao dịch.

Về mặt kỹ thuật, các nền tảng blockchain hiện đại đã phát triển đủ mạnh để hỗ trợ giao dịch nhanh chóng và an toàn, cùng với khả năng tương tác giữa các blockchain giúp mở rộng khả năng áp dụng. Các nền tảng này có khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây và giảm thiểu phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, khi hệ thống mở rộng quy mô, vẫn còn tồn tại vấn đề tắc nghẽn mạng lưới, chậm trễ giao dịch, và tăng chi phí. Thêm vào đó, các rủi ro bảo mật như hình thức “tấn công 51%”,... cần được giải quyết triệt để để đảm bảo sự tin cậy.

Ngoài ra, một trong những thách thức lớn nhất là việc xây dựng khung pháp lý cho tiền mã hóa tại Việt Nam.

Cuối cùng, rủi ro tài chính, bao gồm biến động giá cả và an ninh mạng, cũng là những yếu tố cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo ổn định tài chính quốc gia.

- Theo ông, Việt Nam nên thực hiện những bước đi nào để bắt kịp với xu thế giao dịch bằng tiền số trong tương lai?

Để bắt kịp với xu thế sử dụng tiền mã hóa và công nghệ blockchain trong tương lai, Việt Nam cần thực hiện một loạt các bước đi chiến lược.

Trước hết, Chính phủ cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và đồng bộ để quản lý tiền mã hóa và các hoạt động liên quan đến blockchain. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người dùng và doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm và xây dựng các tiêu chuẩn chung về blockchain và tiền mã hóa.

Bên cạnh đó, việc phát triển năng lực chuyên môn là yếu tố then chốt, trong đó cần tăng cường các chương trình đào tạo về blockchain tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, giúp tạo ra lực lượng lao động có chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

Ngoài ra, việc tăng cường nhận thức và chấp nhận của cộng đồng cũng rất quan trọng, thông qua các hoạt động giáo dục và truyền thông nhằm cung cấp thông tin chính xác về lợi ích và rủi ro của tiền mã hóa. Đồng thời, Chính phủ cần triển khai các chính sách bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia vào các giao dịch tiền mã hóa, đảm bảo rằng họ được bảo vệ trước các rủi ro về gian lận và lừa đảo.

- Trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiền số sẽ được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO