Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang có diễn biến khó lường, hãy cùng "đào sâu" 6 sai lầm “chết người” mà các nhà đầu tư nên tránh.
Hiện nay có một số nhà đầu tư đang mang tư duy chưa thật đúng khi tham gia thị trường chứng khoán. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư giá trị từ bỏ những nguyên tắc về biên an toàn trước đây mà họ đặt ra cho mình, mất đi sự kiên nhẫn và chuyển sang trò chơi đầu cơ đầy may rủi.
Theo đó, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn thường đeo lên mình một lăng kính màu hồng, thay vì dựa trên những suy xét thông minh và tầm nhìn khác biệt, lại va phải những sai lầm khá thông thường khi tham gia thị trường.
“Vào hàng” chỉ dựa vào cổ phiếu dẫn dắt thị trường
Sai lầm này thường khá phổ biến và tưởng chừng như rất hợp lý, thậm chí còn ăn sâu vào những “cái đầu thông minh” của thị trường như các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, những nhà đầu cơ kinh nghiệm lâu năm...
Nhiều nhà đầu tư thường cho rằng, khi thị trường tăng mạnh, thì những dòng cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường, chẳng hạn như ngân hàng, dầu khí, bất động sản, sẽ luôn là những nhóm ngành tăng giá mạnh nhất, đem lại "phần thưởng" lớn lao cho họ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều nguyên nhân khiến việc đầu cơ vào một dòng cổ phiếu “dẫn dắt” lại không bền vững, cụ thể:
Thứ nhất, hầu hết các dòng cổ phiếu vốn hóa lớn – được cho là chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index - đều dễ bị tổn thương nhiều nhất khi kinh tế giảm tốc hoặc bị khủng hoảng.
Thứ hai, không phải bất kỳ cổ phiếu nào thuộc các ngành nghề trên đều có tỷ suất lợi nhuận tốt và tài chính lành mạnh. Những nhà đầu cơ mê muội mua một cổ phiếu trong dòng dẫn dắt chỉ vì cổ phiếu này chưa tăng, hoặc nghĩ rằng “rủi ro càng cao lợi nhuận càng lớn”, sẽ chịu rủi ro mất vốn khi dòng cổ phiếu đó không còn được thị trường ưa chuộng nữa.
Thứ ba, như nhiều nhà phân tích thị trường đã chỉ ra thói quen chạy theo phong trào/chạy theo đám đông khó giúp một người có thể giàu lên bền vững được. Một nhà đầu tư cá nhân muốn thành công bền vững trên thị trường, thì nhất thiết phải có tư duy độc lập. Bởi vì, nếu anh ta chạy theo đám đông, ai sẽ là người mua vào cổ phiếu của anh ta khi toàn bộ đám đông đều bán ra?.
Mua vào một cổ phiếu dẫn dắt không hẳn là sai lầm. Nhưng đó là một yếu tố trong rất nhiều các yếu tố khác để quyết định. Những nhà đầu cơ lười biếng với suy nghĩ đơn giản sẽ lãnh chịu hậu quả lớn khi chu kỳ kinh tế/chứng khoán nằm ngoài dự đoán của họ.
Có thể bạn quan tâm
11:10, 04/07/2019
11:01, 10/05/2019
16:30, 03/03/2019
11:01, 06/10/2018
Lao vào các các doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn Nhà nước
Đây có lẽ là yếu tố xúc tác phổ biến nhất và là một trong những phong trào “phi lý trí” nhất mà nhiều nhà đầu tư cá nhân đang theo đuổi.
Theo đó, có nhiều cổ phiếu khi có thông tin về kế hoạch thoái vốn Nhà nước, thì đều tăng 30- 40%. Đông thái này bất chấp những câu hỏi lớn chưa được trả lời về việc liệu thoái vốn có được thực hiện đúng thời hạn?; Liệu tỷ lệ thoái vốn có đủ lớn để thay đổi quản trị doanh nghiệp?; Liệu ban lãnh đạo mới có đáng tin tưởng?...
Trường hợp này đã có nhiều bài học kinh nghiệm xương máu khi nhiều nhà đầu tư trót mua các cổ phiếu thoái vốn ở mức định giá cao như Sabeco, Becamex IJC, hay những cổ phiếu có nền tảng nội tại yếu kém như DIG, DVN... Trên thực tế, không phải bất kỳ cổ phiếu nào hậu thoái vốn Nhà nước đều tăng mạnh như trường hợp của Vinamilk - sau khi SCIC thoái vốn thành công...
Bởi vậy, các nhà đầu cần có phân tích, đánh giá kỹ về triển vọng của doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn Nhà nước trước khi giải ngân vốn đầu tư của mình.
Yếu tố vĩ mô không hề có tác động trực tiếp
Ví dụ đơn giản nhất phải kể đến là tác động của giá dầu. Khi giá dầu nhẹ ngọt và giá dầu Brent tăng mạnh gần đây - dẫn đến giá cổ phiếu dầu khí cũng tăng theo một cách mạnh mẽ. Phần lớn các nhà đầu cơ cá nhân - những người mà cách đó vài tháng, tránh xa ngành dầu khí như tránh một cơn bệnh - lại đổ xô vào mua tất cả các cổ phiếu trong chuỗi giá trị ngành Dầu khí như PVB, PXS, PVD, ... với một niềm tin mãnh liệt rằng lợi nhuận của chúng sẽ cải thiện trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nói trên không biết rằng động lực chính để các doanh nghiệp này cải thiện doanh thu đến từ việc đấu thầu dự án mới và tăng giá các hợp đồng dịch vụ đối với đối tác B2B của họ - thứ thông tin mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể biết được.
Các con số vĩ mô chỉ nhằm mục đích thống kê, trong khi các yếu tố tác động trực tiếp đến ngành và mô hình kinh doanh nội tại mới là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận chính cho một doanh nghiệp.
Bởi vậy, các nhà đầu tư cần kết hợp yếu tố vĩ mô với những thông tin khác tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để có chiến lược đầu tư phù hợp, nhằm giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.
(Còn tiếp)