Nhiều thương hiệu Việt không những đã chinh phục, chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng trong nước, mà còn vươn lên cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia cả ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Đây là một trong những nội dung được các doanh nhân, học giả, chuyên gia, nhà văn hóa uy tín bàn luận sôi nổi trong buổi Tọa đàm 'Làm gì để có thương hiệu mạnh?’
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, muốn có thương hiệu mạnh thì phải xây nhà từ móng, gắn vào sự sáng tạo và công nghệ, doanh nghiệp cần phải có sự kết nối, tương tác với khách hàng. Đằng sau những thống kê về tăng trưởng và phát triển của một quốc gia chính là câu chuyện của doanh nghiệp.
"Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đã tạo dựng một khuôn khổ pháp lý thích hợp cùng sự quyết liệt của thực thi. Đặc biệt là liên quan đến sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh công nghệ, là trọng tâm cần ưu tiên. Công nghệ là chất xúc tác hết sức mạnh mẽ cho khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo", ông Võ Trí Thành nhận định.
Trong khi đó, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, xây dựng thương hiệu là vấn đề phức tạp. Kinh tế, kinh doanh gắn với động lực của từng con người, kể cả những thương hiệu lớn cũng đã vi phạm đạo đức xã hội nghiêm trọng, vi phạm và bị phạt trăm tỷ USD.
Do đó, việc phát triển thương hiệu cần phải ứng xử trong thực trạng Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh chỉ vài nghìn, đóng góp không nhiều lắm nên cũng cần phải thay đổi.
Gần đây, Việt Nam đang phát động phong trào làm sao tháo gỡ khó khăn để DN tư nhân phát triển. Câu chuyện lớn nhất của kinh tế tư nhân là làm sao doanh nghiệp nhỏ lớn lên và việc này phụ thuộc tới 80% thể chế nhà nước.
Nguồn lực thứ nhất là từ ngân hàng; hai là các thể chế, nâng cấp từ vốn, công nghệ, thương hiệu, thị trường. Câu chuyện hiện nay của các tập đoàn lớn là chuyển hướng rất nhanh, từ chủ yếu làm bất động sản chuyển dần sang làm kinh doanh đa ngành như công nghệ, dịch vụ.
GS. TSKH Nguyễn Mại khẳng định đây là giai đoạn tốt, trong chuyển hướng ấy có những tập đoàn mạnh, cần nhiều công nghệ để chuyển từ kinh tế theo nguồn tăng trưởng cũ sang theo nguồn tăng trưởng mới.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ quá trình xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, trong hành trình 25 năm hình thành và phát triển, Tân Hiệp Phát tự hào khi đã góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về những gì người Việt có thể làm.
Trong suốt nhiều năm qua, Tân Hiệp Phát luôn cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn đa quốc gia và chúng tôi là doanh nghiệp Việt duy nhất trong 5 hãng đồ uống hàng đầu Việt Nam. Tân Hiệp Phát thành công nhờ sự nhất quán trong chiến lược.
Từ những ngày đầu, Tân Hiệp Phát xác định phải đi theo thị trường ngách, bởi rất khó cạnh tranh sản phẩm đồ uống có gas với các tập đoàn nước ngoài. Chúng tôi thay vào đó, đi theo sản phẩm nước giải khát tốt cho sức khoẻ. Trước đây 10 năm, khi Tân Hiệp Phát tuyên bố đầu tư 300 triệu USD dây chuyền vào công nghệ hiện đại nhất thế giới thì nhiều người tỏ ý không tin.
“Lúc đó, từ người ngoài đến trong ngành gần như đều cho rằng chuyện này sẽ không xảy ra. Tân Hiệp Phát chỉ nói thôi chứ không làm. Nhưng chúng tôi đã chứng minh suốt 10 năm qua về mọi thứ", Phương cho biết.
Chúng tôi tin chất lượng là nền tảng và giá trị của Tân Hiệp Phát. Điều này được hiện thực trong từng sản phẩm. Đó là những chai nước giữ gìn hương vị sơ nguyên không chất bảo quản nhưng có thể giữ được trong 12 tháng.
Dù đóng vai trò rất lớn, song nếu chỉ phụ thuộc vào máy móc, công nghệ thì chưa đủ, mà phải là quản trị, là kiểm soát được quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, mà để làm chủ được cần phải có yếu tố con người mang tư duy sáng tạo, đột phá.
Bên cạnh đó, THP đang áp dụng các quy chuẩn đào tạo nguồn nhân lực tiên tiến hàng đầu và chúng tôi mong muốn với đội ngũ nhân sự chất lượng cao, THP có thể là thương hiệu và doanh nghiệp Việt vững mạnh suốt hàng trăm năm, bà Trần Uyên phương chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
09:46, 27/03/2020
09:39, 27/03/2020
09:34, 27/03/2020
Bà Trần Uyên Phương cũng tóm lại bằng 7 tiêu chí mà THP đã đạt được và đây là các tiêu chí mà doanh nghiệp nên sử dụng để đo lường cho tổ chức mình: Vai trò của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp; Chiến lược hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Quản lý, phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp; Kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
Kết thúc phần tham luận của mình, bà Trần Uyên Phương cho biết “tất cả những câu chuyện đó chúng tôi nhận thấy chia sẻ chính là học hỏi. Cho nên chúng tôi đã chia sẻ trong cuốn sách “Competing with Giants” do Forbesbooks xuất bản và mới đây là qua cuốn sách “Nâng cánh thương hiệu Việt”. Đây là một cuốn sách mà không chỉ có Tân Hiệp Phát, mà còn rất nhiều doanh nghiệp lớn mạnh ở thị trường Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng thương hiệu một cách chi tiết hơn”.