Chiến lược bền vững không chỉ là yếu tố hỗ trợ, mà đã trở thành cốt lõi xây dựng thương hiệu mạnh, giúp doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc. Đây là kim chỉ nam cho việc phát triển, phục hồi xanh và bền vững trong thời gian tới cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hướng đến phát triển toàn diện và bền vững, thương hiệu đóng vai trò thiết yếu để các doanh nghiệp cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Theo số liệu Kantar, những thương hiệu có thông điệp bền vững là những thương hiệu đạt kết quả kinh doanh tốt hơn chứ bền vững không phải là yếu tố thứ yếu. Do đó, doanh nghiệp xác định thương hiệu bền vững là cốt lõi của xây dựng thương hiệu. Đây là điều quan trọng doanh nghiệp Việt nắm bắt có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho hay, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực khai phá các cơ hội ở thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là thời khắc vàng để các doanh nghiệp liên kết nguồn lực một cách hiệu quả, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu Việt vươn tầm thế giới mà còn tạo động lực xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.
“Một trong những trọng tâm trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam là câu chuyện phát triển bền vững, tạo nền tảng vững chắc giúp các doanh nghiệp không chỉ trụ vững mà còn tiến xa tại cả thị trường nội địa và quốc tế”, ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khẳng định, tính bền vững không chỉ hỗ trợ mà chính là cốt lõi của thương hiệu mạnh. Các khảo sát cho thấy người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm bền vững. Dù chi phí sinh hoạt tăng và lạm phát gia tăng, người tiêu dùng vẫn sẵn lòng trả thêm trung bình 9,7% cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Sự quan tâm này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, khiến người tiêu dùng sẵn sàng điều chỉnh thói quen mua sắm và chấp nhận mức giá cao hơn tới 12% cho các sản phẩm có chứng nhận bền vững.
Theo ông Alex Haigh, xu hướng này đặc biệt rõ nét ở phân khúc xe điện và thiết bị điện tử, với hơn một nửa số người được khảo sát sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm có chứng nhận không phát thải. Đáng chú ý, gần 90% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn nếu nhà sản xuất có thể chứng minh được toàn bộ chuỗi cung ứng của sản phẩm không gây ra lượng khí thải carbon.
“Vậy nên lựa chọn chiến lược kinh doanh bền vững là chìa khóa để thương hiệu phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố bền vững đóng vai trò cốt lõi trong việc định giá thương hiệu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ưu tiên và tích hợp nó vào mọi hoạt động. Thực tế cho thấy, bền vững không chỉ đơn thuần là yếu tố hỗ trợ, mà chính là bản chất cốt lõi tạo nên giá trị và sức mạnh của thương hiệu”, chuyên gia này bày tỏ.
Nói về phát triển thương hiệu dẫn dắt bền vững, bà Trần Tuệ Tri, Đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose nhấn mạnh, phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện có tính thời đại, lan tỏa, ý nghĩa cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo bệ phóng giúp các doanh nghiệp vững vàng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Đồng thời, phát triển bền vững là điểm khác biệt giúp xây dựng thương hiệu Việt Nam, ghi danh trên bản đồ thương hiệu toàn cầu. Bởi đây không chỉ là vấn đề chung của thế giới, điều bắt buộc để cạnh tranh mà còn là điều người dân mong muốn, nhà đầu tư và du khách hướng tới.
“Bên cạnh những chính sách của nhà nước, chiến lược quản trị doanh nghiệp về bền vững, thương hiệu dẫn dắt bền vững đóng một vai trò quan trọng. Bởi, thương hiệu đã và luôn có sức mạnh mềm, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng, định hình hành vi tiêu dùng, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng, hướng tới những thay đổi quan trọng trên thế giới. Với những đầu tư lớn vào các đổi mới sáng tạo về sản phẩm dịch vụ, đi kèm với các chiến dịch quảng bá rộng khắp, các thương hiệu đã thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo ra những xu hướng sống mới”, bà Tuệ Tri chia sẻ.