Mặc dù chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các giải pháp, chính sách hỗ trợ từ Chính Phủ, vậy, nguyên nhân từ đâu?
Theo kết quả từ cuộc khảo sát lần thứ ba của Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân, đại dịch COVID-19 tái phát đã khiến 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể, chỉ 2% tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có 47% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động khi đại dịch tái bùng phát.
Thực tế, đại dịch COVID-19 vừa qua, không chỉ gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mà còn tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống,… khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, trong đó, GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Chẳng hạn như ngành du lịch, theo dự báo lượng khách năm 2020, du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.
Hay mới đây, mặc dù chưa công bố chính thức kết quả khảo sát tác động của COVID-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, thông tin với báo chí, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho biết, nhìn chung quy mô càng lớn thì tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 càng cao.
Trong đó, “có tới 86% số doanh nghiệp lớn cho biết bị tác động tiêu cực bởi COVID-19, còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tỷ lệ này là 82,6%. Nếu phân theo loại hình thì doanh nghiệp Nhà nước chịu tác động ít nhất, với 78,8% bị ảnh hưởng, trong khi tới 85,2% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị tác động tiêu cực”, ông Thúy thông tin.
Cũng theo kết quả sơ bộ, trong khi lĩnh vực dịch vụ bị tác động nặng nề nhất, đặc biệt là hàng không với 100% doanh nghiệp bị tác động, tiếp đến là du lịch (93,6%); khách sạn (92,9%); nhà hàng (91,6%)... thì lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bị tác động ít hơn cả, với 70,5%.
Nguyên nhân được ông Thúy chỉ ra, doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực, phạm vi trên địa bàn rộng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất với nhiều đối tác trong và ngoài nước, nên chịu tác động nhiều.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ có 17,9% số doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ, như vậy có tới 82,1% chỉ nhận được hỗ trợ… trên tivi.
“Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm sơ kết tình hình thực hiện gói hỗ trợ theo Chỉ thị 11/CT-TTg, từ đó chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tìm ra biện pháp tháo gỡ khi triển khai các gói hỗ trợ tiếp theo”, ông Phạm Đình Thúy đề xuất.
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện cuộc khảo sát (lần 2) về tác động của COVID-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với 6 ngành gồm: du lịch; lưu trú, ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; logistics; dệt may; công nghệ thông tin của trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho thấy:
Có tới 30% số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và khoảng 10% số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động; 5/6 ngành khảo sát phải cắt giảm quy mô lao động. Mặc dù, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tác động tiêu cực thấp hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, nhưng đối tượng này lại bị tác động nặng nề nhất.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Trần Thọ Đạt - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sau 6-7 tháng thực hiện các gói hỗ trợ theo tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020) về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ứng phó với COVID-19, vẫn có tới trên 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ.
Theo PGS.TS Trần Thọ Đạt, lý do doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ là vì không đáp ứng được điều kiện (54,68% số doanh nghiệp) và không có thông tin về chính sách (26,26%).
“Ngoài ra, thông tin không minh bạch khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục hỗ trợ; quy trình, thủ tục tiếp cận gói hỗ trợ quá khó khăn; đã làm thủ tục xin hỗ trợ nhưng vẫn còn phải chờ được xét duyệt cũng là một trong những lý do được đưa ra. Các chính sách hỗ trợ (chủ yếu là gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất) được doanh nghiệp cho rằng đã có tác động tích cực, tuy nhiên, còn nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động như kỳ vọng, chẳng hạn hỗ trợ chi phí logistics, cải cách thủ tục hành chính…”, PGS.TS Trần Thọ Đạt nói.
Có thể bạn quan tâm
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt để không thua thiệt trong RCEP
06:00, 30/11/2020
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh mới
12:13, 24/11/2020
Hỗ trợ doanh nghiệp hàng không theo phương thức thị trường
03:00, 07/11/2020
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nhiều quy định còn nằm trên giấy
11:05, 05/11/2020