Ứng dụng VECA của Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang giúp kết nối những người thu mua phế liệu muốn tăng thêm thu nhập đồng thời góp phần giải quyết vấn đề phân loại rác tại Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới cứ mỗi tiếng có hàng chục triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Ở Việt Nam, thống kê bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng Hà Nội và TP. HCM trung bình mỗi ngày thải ra 80 tấn nhựa và nilon. Một lượng phế liệu lớn thải ra môi trường mỗi ngày chính là cơ hội cho hai bạn trẻ Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang nảy ra ý tưởng khởi nghiệp. Vào khoảng giữa năm 2019, Bảo và Trang cùng nhau lập ra startup VECA là ứng dụng thu mua ve chai đầu tiên trên điện thại di động tại Việt Nam.
CEO Bùi Thế Bảo tốt nghiệp ngành môi trường tại Đại học Bách Khoa TP HCM. Từng làm giám đốc một nhà máy giấy tại Tây Ninh, từng làm qua vị trí HSE Manager (Health - Safety - Environment Manager) tại một số công ty ngành giấy và nhôm, Thế Bảo nhận thấy những thiếu sót trong khâu quản lý nguyên liệu thải dẫn đến sự lãng phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình và gây áp lực cho hệ thống xử lý môi trường và xã hội. Thế Bảo cho rằng, việc xử lý nguyên liệu thải giảm thiểu tác động môi trường, tái chế chúng thành nguyên liệu sản xuất sẽ là xu hướng tương lai.
CEO Đỗ Thị Minh Trang là một nhà thiết kế, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP HCM, có một công ty truyền thông lâu năm. "Ở góc độ của một thị dân, làm việc nhiều với in ấn, giấy các loại, tôi thấy vô nghĩa khi hàng ngày nhìn túi phân loại rác có thể tái chế của nhà mình bị trộn lẫn với rác sinh hoạt trên xe thu gom", Minh Trang kể.
Startup VECA là một ứng dụng hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ, kết nối người bán phế liệu với người thu gom. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để "gọi" người thu gom đến mua. Giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng do thị trường chi phối, không do công ty đặt ra. Hiện tại, ứng dụng cũng không thu phí cả người bán lẫn người mua.
Bùi Thế Bảo chia sẻ, ý tưởng là thế, nhưng khi triển khai, khó khăn ban đầu chính là việc xác định mô hình kinh doanh phù hợp, không chỉ mang lại lợi ích cho người dùng mà còn có thể phát triển lâu dài. Việc tiếp cận lĩnh vực vốn được vận hành thủ công và quy mô gia đình cũng là một thách thức. Cuối cùng, quan trọng nhất là tìm nguồn vốn để phát triển thị trường. "Cho đến nay, chúng tôi vẫn đang vận hành với nguồn vốn cá nhân", Bảo xác nhận.
Còn theo Minh Trang, những người làm công việc "ve chai", chính là tuyến đầu trong việc thu gom những vật liệu có thể tái chế, nhưng vai trò của họ lại bị đánh giá thấp. Do vậy, đội ngũ mong tiếp cận họ để giới thiệu một cách thu gom hiệu quả hơn, cải thiện thu nhập. Nếu dự án thành công, hình ảnh của họ cũng sẽ chuyên nghiệp hơn, như nghề xe ôm đã "lột xác" khi Uber vào Việt Nam.
Đội ngũ sáng lập VECA xác định, tái chế là giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Thay vì kết thúc vòng đời tại các bãi rác, người dân có thể biến phế liệu thành những đóng góp cho cuộc sống thêm xanh.
Ứng dụng VECA đã được chương trình NINJA Accelerator tại TP. HCM do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, chọn là một trong 15 startup vào vòng tăng tốc. Tại chương trình, nhà sáng lập VECA sẽ trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết nhằm hỗ trợ các startup giai đoạn đầu xây dựng chiến lược phát triển và tiến tới gọi vốn thành công.
Có thể bạn quan tâm