Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
La Văn Quý ở bản Phiêng Nèn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La ra trường không xin được việc làm đúng ngành nên đã quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi dế.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, ra trường không xin được việc làm đúng ngành vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai trẻ La Văn Quý (SN 1994), bản Phiêng Nèn (xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi dế. Loài côn trùng kêu rỉ rả ngày đêm này đã mang lại cho Quý khoản lãi đều đặn hơn 10 triệu đồng/tháng.
Sinh ra ở một vùng quê nghèo khó thuộc huyện miền núi Quỳnh Nhai (Sơn La), La Văn Quý mồ côi cả bố lẫn mẹ từ hồi chập chững biết đi. Thương đứa cháu côi cút, vợ chồng bác cả (anh trai của bố Quý) đưa Quý về nuôi nấng. Thấu hiểu được nỗi lòng của con trẻ khi thiếu vắng tình thương của bố mẹ, người bác hết lòng yêu thương, nhận Quý là con nuôi và coi cậu như con đẻ.
Đáp lại tình yêu thương của bố mẹ nuôi, Quý luôn tỏ ra là một cậu bé biết nghe lời, ngoan ngoãn, học giỏi. Cậu luôn tự nhủ với bản thân là phải nỗ lực học thật giỏi để sau này có nghề nghiệp đàng hoàng, báo hiếu ân tình của bố mẹ nuôi.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Quý thi đỗ vào trường Đại học Tây Bắc (đóng ở thành phố Sơn La) với chuyên ngành giáo dục chính trị. Những năm tháng ở giảng đường Đại học, Quý miệt mài học tập, trau dồi kiến thức. Khi Quý chuẩn bị tốt nghiệp Đại học, bác cả của Quý bị bệnh tai biến, đột ngột qua đời. Vượt qua nổi đau một lần nữa mất đi người thân yêu, Quý càng quyết tâm học hành, phấn đấu.
“Sau khi ra trường, em cũng dự tính xin vào cơ quan nhà nước, thế nhưng ngẫm lại thấy điều kiện kinh tế gia đình mình không khá giả gì nên em từ bỏ ý định”, trò chuyện với phóng viên, Quý nhớ lại.
Không xin được việc theo chuyên ngành mình đã học, chàng trai trẻ quyết định kiếm việc trái ngành chứ không đành lòng về quê làm ruộng, làm nương. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, thấy chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen ở Tuần Giáo (Điện Biên) tuyển công nhân, Quý liền xin vào làm.
Trong thời gian làm việc tại đây, Quý vẫn nung nấu ý định tự lập. Tìm hiểu thông tin trên mạng thấy mô hình nuôi dế có nhiều cái hay, hợp với điều kiện của một sinh viên mới ra trường, vì chi phí đầu tư không lớn, Quý một lần nữa thay đổi quyết định, đó là thôi làm công nhân, quay sang “làm bạn” với dế - loài côn trùng kêu rỉ rả cả đêm.
Không có vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, Quý quay về trường Đại học Tây Bắc bày tỏ ý tưởng của mình và được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện cho thuê trại nuôi lợn đang bỏ không ở khu thực nghiệm của nhà trường, với giá rẻ.
Cuối năm 2017, chàng trai trẻ 9X La Văn Quý bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Cậu bắt xe xuống Hà Nội mua 10 khay trứng dế để về nuôi nhân giống. Thời gian đầu Qúy cho dế ở trong thùng xốp và đặt ở khu trọ, gần trường Đại học Tây Bắc. Tháng 3/2018, sau khi thuê được chuồng trại, Quý vay mượn thêm ít vốn của bạn bè, người thân đầu tư làm khung sắt, quây nilon xung quanh, tạo thành hơn 20 ô chuồng cho dế ở.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại dế của mình, chỉ vào ngôi nhà kính, nóc phủ kín bạt nilon, trai trẻ 9X cười hiền nói: “Em mới chuyển đàn dế về đây từ tháng 6/2019. Trước em nuôi ở khu trại lợn, trại được xây dựng kiên cố, đổ mái nên không thích hợp nuôi dế. Thời gian đầu nuôi dế, em cũng thất bại vài lần do chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi dế cũng như đặc tính của loài côn trùng này. Loài côn trùng này kêu rỉ rả cả đêm nên nuôi trong nhà kính là hợp nhất”.
Bước vào ngôi nhà kính, đập vào mắt chúng tôi là 2 dãy chuồng nuôi dế, được kê ngay ngắn, với tổng số hơn 20 ngăn, mỗi ngăn rộng chừng 2m2. Ngăn nào, ngăn nấy cũng nhung nhúc dế.
Cầm trên tay chiếc súng phun sương, chàng trai trẻ phun vào từng ngăn, chỉ ít giây sau đó, đàn dế từ dưới đáy ngăn đua nhau bò lên, liếm láp những giọt nước đọng lại trên thân cây ngô.
Vừa nuôi vừa mầy mò học hỏi trên mạng, sau vài tháng 9X Sơn La đã nắm nằm lòng kỹ thuật nuôi dế, cách chăm sóc dế cũng như đặc tính của loài dế.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dế Quý cho biết: Loài côn trùng này rất dễ nuôi. Chỉ cần chú ý đến nhiệt độ và nguồn thức ăn cho dế là chúng sinh trưởng, phát triển tốt.
“Thức ăn cho dế phải đảm bảo sạch sẽ, không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn nước uống cũng phải sạch, nếu không chúng rất dễ mắc bệnh. Mỗi tuần em vệ sinh chuồng nuôi dế một lần. Nhiệt độ thích hợp cho dế sinh trưởng, phát triển tốt dao động từ 35 – 38 độ C” – Quý cho biết thêm.
Mỗi ngày, Quý cho đàn dế ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Trước khi cho ăn, Quý phun sương vào từng ngăn nuôi. Thức ăn cho dế chủ yếu là rau xanh các loại như: Rau muống, rau khoai lang, rau sắn, rau bồ công anh. Ngoài ra, Quý còn cho dế ăn thêm bột ngô trộn với cám gà.
Quý tiết lộ: “Loài dế đẻ rất khỏe. Khoảng 45 ngày sau khi nở, dế sẽ mọc cánh. Sau khi mọc cánh, dế bắt đầu đẻ. Thường thì những ngày đầu dế đẻ, trứng không được tốt, vì vậy em chỉ lấy trứng từ khi dế được 48 ngày tuổi và chỉ lấy trong vòng 1 tuần, sau đó sẽ xuất bán cho các nhà hàng làm món nhậu cho khách".
Trước khi sơ chế dế bán cho khách, Quý cho dế ngừng ăn cám 5 ngày, sau đó “bỏ đói” dế 1 ngày để chúng thải hết phần rồi mới thu về ngâm với nước muối, sục ô zôn khử trùng. Tiếp đến, Quý cho dễ vào luộc hoặc hấp, sau đó để khô mới tiến hành đóng gói.
Theo chàng trai trẻ này, nuôi dế cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi chi phí đầu tư thấp. Chỉ sau 30 ngày nuôi là có thể xuất bán dế ra thị trường, tùy theo nhu cầu của khách.
Từ 10 khay trứng ban đầu mua về nuôi, đến nay, Quý đã gây dựng được trại dế cho riêng mình. Mỗi tháng, bán ra thị trường hơn 1 tạ dế thương phẩm, với giá dao động từ 120 – 150.000 đồng/kg, Quý lãi hơn 10 triệu đồng.
“Em cũng muốn mở rộng chuồng trại nuôi dế, nhưng ngặt một nỗi là thiếu vốn để đầu tư. Em dự tính sau này sẽ mở rộng chuồng nuôi, vừa sản xuất, vừa chế biến ra các sản phẩm từ dế” – Quý chia sẻ.