Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đặt vấn đề chất lượng chính là yếu tố quyết định doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không?
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh (VBS) 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp tổ chức mới đây, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đã chỉ ra một số yếu tố được cho là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước tiên, dẫn lời báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa được công bố mới đây. Cụ thể, báo cáo đã chỉ ra, yếu tố giúp doanh nghiệp có thể hội nhập mạnh mẽ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ASEAN và thế giới đó chính là chất lượng. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải khó khăn tương tự. Nghĩa là, doanh nghiệp Việt Nam cũng khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nếu như không đáp ứng được tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế.
Ngoài ra, theo ông Eric Sidgwick, thêm một rào cản nữa khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đó là hạn chế về đổi mới sáng tạo và năng lực của doanh nghiệp nội địa.
"Năng lực ở đây không chỉ đơn thuần là chất lượng sản phẩm, mà còn là các giá trị, năng lực cạnh tranh và hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Những tiêu chuẩn này sẽ giúp cho những doanh nghiệp chưa được kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu sẽ trở thành một doanh nghiệp toàn cầu.
Theo đó, những doanh nghiệp nào có hoạt động đổi mới sáng tạo, chia sẻ thông tin nhiều hơn, và có thể mượn hoặc lấy công nghệ, thông tin của các đối tác khác trong chuỗi giá trị toàn cầu nhiều hơn sẽ là những doanh nghiệp tiên phong. Và ngược lại, doanh nghiệp thực hiện và đảm bảo được những yếu tố vừa phân tích sẽ bị bỏ lại phía sau.
Có thể bạn quan tâm
17:01, 13/09/2018
17:49, 13/09/2018
15:35, 13/09/2018
Ngoài ra, đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp nhà nước có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tốt hơn, ông Eric Sidgwick cho rằng, đối với khối doanh nghiệp nhà nước, nếu muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh việc doanh nghiệp biết khách hàng của mình là ai thì còn phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về năng lực và chất lượng chung của thị trường cung ứng toàn cầu.
Ví dụ như trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành nông nghiệp, khi doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn của châu Âu về chất lượng sản phẩm, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Và ông Eric Sidgwick đề xuất, doanh nghiệp Việt Nam có thể đi theo hướng này và áp dụng kinh nghiệm này cho các chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành khác.
Bên cạnh đó, những rào cản khác khiến doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo ông Eric Sidgwick có thể kể đến là những hạn chế trong liên kết cơ sở hạ tầng, logisitcs, vận tải, liên kết tiểu vùng...
"Điều này được thể hiện trong việc thực hiện mục tiêu cơ chế một cửa ASEAN. Quan sát thực tế hiện nay có thể thấy, giữa hiện thực và các tiêu chuẩn của ASEAN một cửa thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng là do việc không được thực hiện đều đặn giữa các Quốc gia trong khu vực", ông Eric Sidgwick chỉ ra.
"Hiện nay, các hoạt động như thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam rất dễ dàng thống kê. Tuy nhiên, trong hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam lại chưa có những đo lường về những con số cụ thể như doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra thêm bao nhiêu phần trăm giá trị gia tăng mới cho sản phẩm, sau khi sản phẩm đó được nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, hoặc doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu? Chính việc thống kê một cách chính xác, cụ thể, sẽ giúp Việt Nam nhìn thấy rõ những hạn chế của mình và từ đó có thể điều chỉnh các chính sách một cách phù hợp", ông Eric Sidgwick phân tích.
Bên cạnh đó, ông Eric Sidgwick cũng đề xuất "trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạng kết nối hạ tầng cứng, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh tính kết nối hạ tầng mềm, để hàng hoá, dịch vụ không chỉ lưu chuyển tự do trong Việt Nam mà còn vươn ra khu vực và thế giới".