Tập đoàn Aeon tại Việt Nam đang muốn mở thêm hàng chục siêu thị vừa và nhỏ với thương hiệu MaxValu. Liệu chiến lược này sẽ gặp những thách thức gì?
Theo các nhà dự báo của Euromonitor cho biết, khu vực Đông Nam Á đang có một tiềm năng tăng trưởng kinh tế rất lớn. Thị trường thực phẩm chế biến tại sáu nền kinh tế hàng đầu của khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 60% từ năm 2016 đến năm 2026, đạt khoảng 112,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong sáu nước, đạt gần 90% trong giai đoạn này.
Là thành viên của Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam dự kiến sẽ dỡ bỏ rào cản đối với đầu tư bán lẻ nước ngoài trong thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) sớm nhất là vào năm 2024.
Theo đó, thủ tục ENT yêu cầu các nhà bán lẻ nước ngoài phải có sự chấp thuận của địa phương đối với mỗi cửa hàng mới từ 500 mét vuông trở lên. Việc chấm dứt yêu cầu này sẽ tạo ra một làn gió thuận lợi cho các công ty đa quốc gia như Aeon cho các kế hoạch mở rộng của mình.
Aeon đã ra mắt tại Việt Nam từ năm 2013, khai trương trung tâm thương mại đầu tiên, Celadon City, tại một vùng ngoại ô của TP. Hồ Chí Minh và được mở rộng vào tháng 6 năm 2019. Liên tiếp sau đó, nhiều trung tâm thương mại đã được xây dựng tại các địa điểm bao gồm thành phố công nghiệp Bình Dương, gần Thành phố Hồ Chí Minh và quận Long Biên của Hà Nội và TP. Hải Phòng.
Chiến lược của Aeon cho đến nay khi kinh doanh tại Việt Nam là xây dựng các trung tâm ở các quận ngoại thành thay vì các trung tâm thành phố, định hình việc cung cấp cho cộng đồng địa phương và kết hợp hàng hóa địa phương với các sản phẩm nhập khẩu.
Có thể thấy, siêu thị lớn vẫn là một phần trong tầm nhìn phát triển của tập đoàn. Công ty con Aeon Mall được niêm yết tại Tokyo đã có kế hoạch tăng số trung tâm mua sắm tại Việt Nam lên 16 trung tâm vào năm 2025 từ sáu trung tâm hiện tại.
Nhưng, bên cạnh đó họ cũng đang theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô khi muốn đa dạng hóa hệ sinh thái kinh doanh bán lẻ bằng cách không chỉ tăng tốc các trung tâm mua sắm lớn, còn muốn mở thêm các siêu thị vừa và nhỏ với thương hiệu MaxValu. Đây được coi là định hướng trong chiến lược trung và dài hạn của doanh nghiệp khi họ xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản.
Aeon hiện được coi là nhà bán lẻ được niêm yết hàng đầu của Nhật Bản tính theo doanh thu. Dự kiến đến năm tài chính 2025, họ đang đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đầu tư hàng năm ra nước ngoài lên 25%, gần gấp đôi mức trước đó và tăng hơn gấp đôi lợi nhuận hoạt động hàng năm ở châu Á bên ngoài Nhật Bản lên hơn 100 tỷ yên (875 triệu USD).
Trên thực tế, họ cũng có các kế hoạch mở thêm siêu thị ở Việt Nam, Indonesia, Campuchia và một số nơi khác trong khu vực. Song, không phải kế hoạch mở rộng nào của Aeon cũng đạt được những thành công nhất định.
Vào cuối tháng 3 năm ngoái, “gã khổng lồ” bán lẻ Nhật Bản đã phải tuyên bố đóng cửa hơn 20 siêu thị mini MaxValu Tanjai ở Thái Lan. Bất kể là ngay từ đầu họ đã tuyên bố sẽ mở rộng mạnh mẽ tại đây.
Theo các chuyên gia phân tích, một trong những yếu tố khiến đại gia bán lẻ của Nhật Bản rơi vào khó khăn sau khi không thâm nhập được vào thị trường bán lẻ trị giá 3,8 nghìn tỷ baht của Thái Lan, liên quan đến một thực tế nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm Nhật Bản tương đối mỏng, trong khi chi phí vận hành cao nên họ không thể kiếm được lợi nhuận.
Bên cạnh đó, còn một vấn đề mà các chuyên gia phân tích đã chỉ ra sau thất bại của AEON tại Thái Lan là vì cách bài trí cửa hàng của họ khá đơn điệu và họ có ít các chiến dịch khuyến mại hơn, trong khi người tiêu dùng nước này có gần 365 ngày khuyến mãi từ các chuỗi siêu thị bán lẻ của Thái Lan.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân lớn nhất là việc họ phải đối đầu với Central Group, một trong những tập đoàn dẫn đầu trong cuộc cách mạng kinh doanh bán lẻ ở Thái Lan với lịch sử 70 năm hoạt động, và sở hữu hơn 60 cửa hàng bách hóa và trung tâm thương mại.
Giờ đây tại Việt Nam, Tập đoàn AEON cũng đang muốn thực hiện chiến lược đa dạng hóa hệ sinh thái kinh doanh bán lẻ bằng cách không chỉ tăng tốc các trung tâm mua sắm lớn, còn muốn mở thêm các siêu thị vừa và nhỏ với thương hiệu MaxValu.
Theo như Soichi Okazaki, giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh Đông Nam Á của tập đoàn cho biết, nhà bán lẻ này có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu tại Việt Nam vào năm 2025, tăng so với chỉ 4 siêu thị ở thủ đô Hà Nội hiện nay.
Nhưng, một lần nữa những toan tính của tập đoàn Nhật Bản lại “vấp” phải những tham vọng của người Thái. Năm ngoái, Central Group tại Việt Nam đã bỏ ra cả tỷ đô để mua lại Big C và sau đó công bố khoản đầu tư khoảng 35 tỉ baht (tương đương 1,1 tỉ USD) để mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành của Việt Nam trong 5 năm tới.
Chưa hết, tại thị trường bán lẻ Việt Nam, không chỉ có các tập đoàn lớn của nước ngoài, ở đây những “gã khổng lồ” bán lẻ lớn nhất của Việt Nam như Masan, BRG Retail, Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Satra... cũng đang được đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy các chiến lược mở rộng.
Liệu với những quyết tâm và thương hiệu được khẳng định tại thị trường Việt Nam, AEON có thể thành công khi toan tính mở rộng chuỗi MaxValu tại Việt Nam?
Có thể bạn quan tâm
AEON Việt Nam nhân rộng mô hình siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu
13:36, 22/12/2021
AEON Việt Nam tiếp tục được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2021”
16:25, 10/10/2021
Tập đoàn AEON kiến nghị TP HCM hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
13:34, 21/08/2021
Tập đoàn AEON sẽ hỗ trợ tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên
16:10, 16/07/2021