Trí tuệ nhân tạo (AI) và những ứng dụng của nó ngày càng trở thành làn sóng cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.
>>Doanh nghiệp có nguy cơ tụt hậu, nếu chưa sẵn sàng áp dụng AI
Khi OpenAI công bố ChatGPT ra thị trường vào tháng 11 năm ngoái, ngay lập tức, những gã khổng lồ internet của Trung Quốc đã nhanh chóng tiếp thu. Baidu đã ra mắt bot Ernie vào tháng 3, sau đó là Alibaba Cloud và Kunlun’s Tiangong vào tháng 4.
Các công ty nhỏ hơn cũng đang vào cuộc mỗi ngày, khi AI và ứng dụng của nó ngày càng trở thành làn sóng cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Chúng tôi phải đi nhanh để bắt kịp thời đại. Bởi vì thế giới đang bước vào một cuộc chạy đua công nghệ”, ông Zhou Feng, Giám đốc điều hành bộ phận phần mềm dịch thuật Youdao của NetEase cho biết.
Trung Quốc hiện được cho là đang đặt cược vào AI, coi đây là công cụ chiến lược trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ đưa nền kinh tế của quốc gia thoát khỏi ám ảnh bởi núi nợ, dư chấn liên quan đến dịch COVID-19 và thách thức nhân khẩu học, mà còn tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực của họ để vượt qua Mỹ.
Ông Kai-Fu Lee, cựu Chủ tịch Google Trung Quốc cho biết, việc phát triển các ứng dụng AI là một cơ hội mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ. "Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Nhưng đây không chỉ là sự thay đổi do công nghệ tạo ra, mà còn là cơ hội giúp mọi người khai thác các công nghệ để tạo ra một tương lai toàn diện, lấy con người làm trung tâm", ông Lee nhấn mạnh.
Theo dự báo của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới PriceWaterhouse Coopers, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời AI sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới.
Trong đó, PwC tin rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ AI, với công nghệ góp phần tăng 26% GDP của nước này vào năm 2030. Ông Kai Fu Lee cho biết thêm, khả năng khai thác thị trường nội địa rộng lớn và các kết nối kinh tế, cũng như dòng chảy nhân tài tại Trung Quốc có thể tạo nền tảng ổn định cho sự phát triển mạnh mẽ của AI.
>>Mỹ - Trung "bắt tay" nhau trong lĩnh vực AI quân sự
Bên cạnh đó, AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và được coi là một trong những động lực cốt lõi để phát triển kinh tế chất lượng cao, theo hướng dẫn phát triển 2021-25 của Trung Quốc.
Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt đề cập đến việc sử dụng một cơ chế mới, trong đó Bắc Kinh sẽ tập hợp mọi nguồn lực có thể để phát triển công nghệ cốt lõi quan trọng, tương tự như những gì họ đã làm để phát triển vệ tinh, vũ khí hạt nhân và chương trình không gian trong những thập kỷ trước.
Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt công nghệ đang diễn ra, Bắc Kinh được cho là có cả nguồn lực và quyết tâm mở rộng khả năng điện toán của mình với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ khổng lồ để giúp thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, quốc gia này chiếm 33% sức mạnh điện toán của thế giới, chỉ thấp hơn 1% so với Mỹ.
Ông Nestor Maslej, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Trí tuệ nhân tạo của Đại học Stanford, cho biết: “Việc Trung Quốc tập trung vào việc tăng sức mạnh điện toán chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc bắt kịp Mỹ về AI.
Nhưng ông lưu ý, Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách, nhưng vẫn thua xa Mỹ về công nghệ AI do môi trường đầu tư ưu việt cho các công ty AI, nghiên cứu chất lượng cao hơn và mô hình AI do Mỹ sáng tạo vẫn chiếm ưu thế.
Năm ngoái, Mỹ đã vượt Trung Quốc về sản xuất hệ thống máy học AI, tạo ra 255 hệ thống quan trọng mới, con số này cao gấp 5 lần so với 44 hệ thống của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, các chuyên gia công nghệ tin rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi công nghệ. Cơn sốt đầu tư vào AI hiện đã lan rộng khắp Trung Quốc. Đây sẽ là đòn bẩy hữu hiệu cho Trung Quốc trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm