Nhiều khả năng, niêm yết lên sàn HOSE là bước đi để giới chủ Trường Thành hiện thực hóa tham vọng năng lượng.
Hiện tại Trường Thành đang nắm 6 dự án với tổng mức đầu tư 6.791 tỷ đồng, tức gấp hơn 5 lần vốn điều lệ công ty.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vào ngày 9/7/2020 đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành).
Đây là nước đi được giới đầu tư đánh giá là hợp lý trong bối cảnh doanh nghiệp cần tiếp cận các kênh huy động vốn. Mặt khác, việc niêm yết lên HOSE (nếu thành công) sẽ là điểm cộng của Trường Thành trong mắt giới đầu tư khi vị thế và giá trị thương hiệu sẽ được nâng cao.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 (tổ chức ngày 28/4), ban lãnh đạo công ty kỳ vọng, những hiệu ứng tích cực kể trên sẽ giúp Trường Thành hiện thực hóa kế hoạch phát triển các dự án lớn giai đoạn 2020 – 2025.
Trường Thành, dù là một cái tên có vẻ xa lạ, nhưng lại là một "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng. Thành lập từ ngày 5/9/2008, trải qua hơn 1 thập niên hình thành và phát triển, Trường Thành đã sở hữu 6 dự án năng lượng với tổng vốn đầu tư lên đến 6.791 tỷ đồng.
Các dự án của công ty đã hoàn thành có thể kể đến là: Dự án đầu tay Thủy điện Ngòi Hút 2 (công suất 48 MW, tại tỉnh Yên Bái, tổng mức đầu tư 1,5 nghìn tỷ) được thực hiện từ năm 2008 và đi và hoạt động vào tháng 12/2014; Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2A (Yên Bái), công suất 8,4 MW, có tổng mức đầu tư là 292 tỷ đồng, và đi vào hoạt động từ tháng 12/2016;
Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ công suất 50 MW (tỉnh Ninh Thuận), với tổng mức đầu tư lên tới trên 1.500 tỷ đồng và chính thức hoà vào lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019.
Một số dự án khác đang được triển khai gồm: Nhà máy thủy điện Pá Hu (công suất 26 MW, tỉnh Yên Bái, tổng mức đầu tư 1.024 tỷ đồng) và dự kiến khánh thành vào tháng 6/2020;
Dự án điện mặt trời Hồ Núi Một 1 (công suất 50 MW tại Ninh Thuận, tổng mức đầu tư 1.150 tỷ đồng) dự kiến vận hành vào cuối năm 2020; Nhà máy phong điện Phương Mai 1 (tổng công suất 30MW, tỉnh Bình Định tổng mức đầu tư trước thuế 1.325 tỷ đồng). Dự kiến đến năm 2021 sẽ đi vào hoạt động.
Trải qua hơn 1 thập niên hình thành và phát triển, Trường Thành đã thực hiện 5 lần tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 1.350 tỷ đồng (tính đến hết năm 2019). Đồng nghĩa, doanh nghiệp đã tăng vốn gấp 27 lần trong hơn một thập niên. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với tham vọng thực hiện dự án năng lượng của Trường Thành.
So sánh nhanh, tổng dự án năng lượng của Trường Thành có tổng mức đầu tư 6.791 tỷ đồng, tức gấp hơn 5 lần vốn điều lệ công ty. Nếu chỉ xét tổng các dự án đang triển khai, tổng mức đầu tư là 3.499 tỷ đồng, gấp gần 2,6 lần vốn điều lệ Trường Thành.
Ở một chi tiết khá thú vị, trong năm đầu tiên hoạt động (cụ thể là năm 2008), dù chỉ sở hữu mức vốn điều lệ là 50 tỷ, nhưng doanh nghiệp đã thực hiện Dự án thủy điện Ngòi hút 2 có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Như đã đề cập, nhà máy đi vào hoạt động tháng 12/2014.
Việc Trường Thành nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE (9/7) và trước đó là đăng ký công ty đại chúng (7/7) chắc chắn sẽ phải nhận được cái gật đầu chấp thuận từ giới chủ công ty, mà cụ thể ở đây là Chủ tịch HĐQT Trần Huy Đức. Bởi lẽ, ông Trần Huy Đức hiện tại đang là cổ đông chi phối doanh nghiệp.
Ở đợt tăng vốn gần nhất (năm 2019, tăng vốn lên 1.350 tỷ đồng), Trường Thành đã chào bán 28,63 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu (thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 05.03/2019/TTA/NQ-ĐHĐCĐ ngày 5/3/2019).
Lịch sử công tác của ông Trần Huy Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc
Từ năm 2010 – nay: Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành
Từ năm 2008 – nay: Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành
Từ năm 2015 – nay: Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Khai thác Khoáng sản Ninh Thuận
Từ tháng 12/2019 – nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai
Từ tháng 8/2018 – tháng 12/2019: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai
Từ năm 2001 - năm 2008: Phó Giám Đốc Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành
Được biết, Chủ tịch HĐQT Trường Thành, ông Trần Huy Đức đã đăng ký mua 25,305 triệu cổ phần; Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc (cùng hộ khẩu thường trú với ông Đức) đăng ký mua phần còn lại trong 28,63 triệu cổ phần được chào bán.
Số tiền thu về (286,3 tỷ đồng) được dùng để đầu tư dự án "Đầu tư Thủy điện Pá Hu" (36,3 tỷ), Đầu tư dự án "Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngủ" (70 tỷ) và Đầu tư vào CTCP Phong điện Phương Mai (180 tỷ).
Sau đợt chào bán này, ông Trần Huy Đức – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty - trở thành cổ đông lớn nhất Công ty với 50,08%. Được biết, ông Đức hiện cũng là Chủ tịch tại CTCP Phong điện Phương Mai và Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành.
Các cổ đông còn lại là Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành (do ông Đức là Chủ tịch và là cổ đông lớn nhất nắm 55,890%) nắm 23,63%, bà Nguyễn Thị Ngọc nắm 11,63%, ông Trần Huy Thiệu – Thành viên HĐQT, nắm 6,52%, ông Cao Đăng Mùi 5,7% và ông Nguyễn Duy Viễn nắm 2,44%.
Tính ra, các cổ đông trực tiếp liên quan tới ông Trần Huy Đức nắm tổng cộng 85,34% vốn Trường Thành.
Cùng với sự tăng trưởng về vốn (sau 1 thập niên), nợ vay của Trường Thành cũng tăng. Tính đến cuối năm 2019, tổng nợ vay đã tăng 58% lên 2.374 tỷ đồng, cụ thể: Nợ ngắn hạn 435 tỷ (tăng 133%), nợ dài hạn (hoặc vay và nợ thuê tài chính dài hạn) là gần 1.939 tỷ đồng (tăng 47%).
Đi sâu vào các con số, chiếm chủ yếu nợ ngắn hạn là vay ngắn hạn thành viên ban lãnh đạo (gần 159,7 tỷ đồng) và vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả (173,5 tỷ), chủ yếu gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam – chi nhánh Yên Bái (93,2 tỷ), Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam – chi nhánh Chương Dương (37 tỷ).
Với vay dài hạn, chiếm chủ yếu là 2 khoản vay với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – chi nhánh tỉnh Sơn La, cụ thể: Khoản vay nhằm đầu tư dự án Pá Hu với giá trị 578,8 tỷ; và khoản vay còn lại 145,2 tỷ đồng cho dự án Ngòi Hút 2A.
Bên canh đó, còn phải kể đến khoản vay với Ngân hàng Phát triển Việt Nam – chi nhánh Yên Bái (gần 253 tỷ) và Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam chi nhánh Yên Bái (61,5 tỷ);…
Trong khi đó, tổng tài sản Trường Thành tại ngày 31/12/2019 đạt mức 3.921 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 99 tỷ. Năm 2019, công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 75,4 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2018.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ngoài nội dung đăng ký niêm yết lên sàn HOSE, Trường Thành đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu doanh thu 450 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với kết quả thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng gần 86% lên 140 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8%.
Động lực tăng trưởng trong năm 2020 đến từ hoạt động tối đa công suất của các Nhà máy thủy điện Ngòi Hút 2, Ngòi Hút 2A – tỉnh Yên Bái và Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ - tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đó, Nhà máy thủy điện Pá Hu – tỉnh Yên Bái với công suất lắp máy 26 MW kế hoạch đi vào hoạt động trong quý II/2020 cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng của Công ty.
Trong năm 2020, Trường Thành dự kiến triển khai thêm dự án Trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một 1 tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Có thể bạn quan tâm