Từ người nổi tiếng ảo cho đến người mẫu kỹ thuật số, AI tạo sinh đang định hình lại tiếp thị thương hiệu, cả cách thức hoạt động của các tổ chức lẫn những kỳ vọng của thế giới về tương lai.
>>Tham vọng làm AI tạo sinh của BKAV
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển như hiện nay, AI tạo sinh là một trong những công cụ mạnh mẽ và nổi trội nhất. Là sản phẩm từ những thuật toán phức tạp và các bộ dữ liệu khổng lồ, AI tạo sinh có thể sản xuất nhiều loại hình nội dung, từ các đoạn văn bản, ảnh tĩnh, ảnh động, âm thanh hoặc thậm chí là video chỉ bằng một vài câu lệnh đơn giản.
Lúc vừa ra mắt, AI tạo sinh đã ngay lập tức thể hiện sức ảnh hưởng đến ngành quảng cáo và tiếp thị. Các thương hiệu phải cân nhắc lại những chiến lược của mình để có thể thu hút người tiêu dùng trong một lĩnh vực mà độ “nhân tạo” ngày càng tăng cao này.
Trong khi một số công ty vẫn đang đứng im và quan sát, thì đã có những công ty chủ động nắm bắt công nghệ AI tạo sinh. Một số công ty khác còn bắt nhịp nhanh hơn khi dùng influencer (người có tầm ảnh hưởng) do AI tạo sinh tạo ra để phát triển và quảng bá thương hiệu. Dĩ nhiên, những influencer này là nhân vật ảo, không tồn tại trong thực tế, mọi thứ về “họ” chỉ là những hình ảnh do AI tạo ra.
Nhận xét về AI tạo sinh, bà Suzie Shaw, CEO mảng sáng tạo của agency We Are Social (Úc) cho rằng AI tạo sinh đã tạo nên những thay đổi trong ngành mà những công nghệ, những tiến bộ trước kia chưa từng làm được.
Sự xuất hiện của các influencer nhân tạo
We Are Social khẳng định họ là bên đầu tiên sử dụng influencer do AI tạo ra. Cụ thể, đó là “cô người mẫu” Lil Miquela trong chiến dịch Samsung Galaxy năm 2019.
Lil Miquela là sản phẩm từ studio truyền thông về AI mang tên Brud của Mỹ. Nhiều người cho rằng cô là influencer AI đầu tiên có tầm ảnh hưởng lớn. Kể từ bài đăng đầu tiên trên mạng xã hội năm 2016, ước tính Lil Miquela tạo ra hơn 10 triệu USD hằng năm cho “ông bầu” của mình nhờ các hợp đồng độc quyền, các bài đăng được tài trợ trên MXH và các lần được bổ nhiệm làm đại sứ thương hiệu.
Thành công của Lil Miquela là minh chứng cho thấy công chúng sẵn sàng đón nhận “sự nhân tạo” trong kỷ nguyên kỹ thuật số này.
Tuy nhiên, Shaw nhấn mạnh rằng khán giả vẫn cần tính chân thật trong những influencer AI này. Theo cô, không ai muốn tương tác với một người hoặc một vật đem đến cảm giác giả tạo. Vậy nên mức độ “thật” của influencer AI sẽ là một thách thức và một điều mà các thương hiệu cần chú ý nếu muốn áp dụng chiến lược này.
Bên cạnh đó, Shaw cho rằng mặc dù influencer AI khá linh hoạt và có thể mở rộng, nâng cấp, thế nhưng bản thân thương hiệu vẫn phải xây dựng lượng khán giả cho riêng mình.
Theo quan điểm của cô, ngành tiếp thị vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu trong hành trình khám phá AI. Vậy nên các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực không ngừng để khai thác triệt để công nghệ này. Muốn làm được điều đó, trước tiên doanh nghiệp phải nắm vững kỹ thuật đưa thông tin/lệnh cho AI. Có như vậy họ mới thu được những sản phẩm chất lượng cao và khác biệt so với đối thủ.
Thay đổi dựa trên người tiêu dùng
Với Shaw, quỹ đạo phát triển của AI tạo sinh sẽ được quyết định bởi hành vi, sở thích của người tiêu dùng.
Cô giải thích rằng cách người tiêu dùng phản ứng là một thông số vô cùng quan trọng trong mọi sáng kiến tiếp thị. Nếu doanh nghiệp tạo ra thứ gì đó “tuyệt vời” bằng AI nhưng người dùng không mặn mà, thì thứ tuyệt vời đó cũng chỉ là đồ bỏ đi.
Ở khía cạnh này, điều đáng mừng là người tiêu dùng rất quan tâm và bắt nhịp khá tốt với công nghệ mới. Chẳng hạn gần đây cộng đồng mạng không khỏi phát sốt khi OpenAI cho ra mắt Sora, một mô hình chuyển văn bản thành video.
Manolis Perrakis, giám đốc bộ phận chiến lược tương lai và đổi mới toàn cầu của We Are Social, cho rằng AI đã đem đến rất nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao cho nhiều vấn đề. Thậm chí ông khẳng định rằng dần dần AI sẽ có mặt trong mọi thứ mà ngành tiếp thị đang sử dụng.
Trong khi đó, Michael Musandu, CEO của Lalaland.ai (ứng dụng cho phép các thương hiệu tạo ra hình ảnh người mẫu siêu thực và không trùng lặp), tiết lộ rằng hiện nay rất nhiều thương hiệu sử dụng người mẫu AI. Thay vì phải thuê người mẫu, thợ chụp ảnh và chuyên gia trang điểm, thì giờ đây các thương hiệu có thể dùng những ứng dụng như Lalaland và chỉ mất 5 đến 10 phút để tạo ra hình ảnh cho bộ sưu tập của mình.
Tuy nhiên, bản thân Musandu nhấn mạnh rằng các công cụ tạo hình người mẫu bằng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn người mẫu thực sự, mà đây chỉ là “phương án bổ sung”, vì có những bộ ảnh, bộ sưu tập mà thương hiệu cần người thật để kết nối thật với người dùng.
Cơ chế quản lý
Đối với ông Patrick Whitnall, Giám đốc điều hành AiMCO (Hội đồng Tiếp thị bằng người có tầm ảnh hưởng của Úc), song song với việc triển khai AI trong ngành, các bên cũng phải phát triển những khuôn khổ quy định nhằm nâng cao tính minh bạch.
Cụ thể, ngoài vấn đề quyền sở hữu tài sản trí tuệ, Whitnall mong muốn các thương hiệu phải thông báo rõ ràng cho khán giả biết đâu mà sản phẩm do AI tạo ra. Chẳng hạn có một dòng phụ đề/thông báo kèm theo các hình/video rằng “Đây là hình/video do AI tạo ra”.
Không chỉ vậy, ông mong đợi rằng những quy tắc, quy định, cách tiếp cận trong mảng tiếp thị bằng influencer người thật cũng nên được áp dụng trong thế giới influencer ảo.
Lời kết
Những công cụ mới, cách triển khai mới, và cả những quy định sắp được hình thành về AI tạo sinh. Tất cả đều là những tài liệu quan trọng để các doanh nghiệp nghiền ngẫm và tham khảo nếu muốn tiến vào thế giới AI. Đó cũng là thứ để bản thân doanh nghiệp tự đánh giá mình sẽ sẵn sàng đón nhận tương lai “nhân tạo” này đến mức nào.
Có thể bạn quan tâm