Cháu nhà sáng lập đề xuất mua lại Toyota Industries với giá 42 tỷ USD giữa bối cảnh thị trường Nhật Bản biến động mạnh bởi làn sóng sáp nhập và cải cách quản trị.
Ngày 26/4, cổ phiếu của Toyota Industries Corp. (TICO) đã ngừng giao dịch và dự kiến tăng trần 23% sau khi Bloomberg đưa tin Chủ tịch Toyota Motor Corp., ông Akio Toyoda, đề xuất kế hoạch mua lại toàn bộ công ty. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ thâu tóm lớn nhất thế giới nếu thành công.
Toyota Industries - công ty do cụ cố của Akio Toyoda sáng lập - đã thành lập một ủy ban đặc biệt và thuê các cố vấn tài chính để đánh giá đề xuất này. Theo nguồn tin, thương vụ định giá TICO ở mức 6.000 tỷ yên (tương đương 42 tỷ USD), cao hơn khoảng 40% so với giá trị vốn hóa thị trường của công ty này tại thời điểm cuối tuần trước.
TICO vốn chuyên sản xuất máy dệt và linh kiện cho ô tô Toyota, đồng thời đang nắm giữ 9,1% cổ phần tại Toyota Motor. Trong khi đó, bản thân Akio Toyoda chỉ trực tiếp sở hữu chưa tới 1% cổ phần TICO, nhưng ông lại có ảnh hưởng sâu rộng trong toàn bộ hệ sinh thái Toyota Group.
Mục tiêu của Akio Toyoda là củng cố quyền kiểm soát đối với đế chế Toyota trong bối cảnh thị trường Nhật Bản đang chứng kiến làn sóng sáp nhập và tái cấu trúc mạnh mẽ, theo các nhà quan sát. Nếu thương vụ diễn ra, Toyoda sẽ gia tăng ảnh hưởng của mình không chỉ với Toyota Motor, mà còn với các nhà cung cấp và doanh nghiệp liên kết khác trong nhóm.
Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải những lo ngại về quản trị doanh nghiệp. Các chuyên gia tại SMBC Nikko Securities nhận định việc củng cố quyền lực gia đình có thể làm thụt lùi những nỗ lực cải thiện quản trị mà Toyota Group đang theo đuổi thời gian qua.
Đáng chú ý, tỷ lệ ủng hộ Akio Toyoda từ cổ đông đã giảm mạnh trong ba năm gần đây, từ 96% xuống còn 72%. Nguyên nhân xuất phát từ cách xử lý chậm chạp của ông đối với chuyển đổi xe điện, cũng như hàng loạt bê bối về chứng nhận an toàn sản phẩm tại Toyota Industries, Daihatsu và cả Toyota Motor.
Kế hoạch này được đặt trong bối cảnh nỗ lực thâu tóm Seven & i Holdings trước đó của gia đình nhà sáng lập Toyota cũng thất bại vì thiếu vốn, dẫn đến nguy cơ tập đoàn bán lẻ lớn này rơi vào tay đối thủ nước ngoài. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh Nhật Bản hiện nay đã khác xưa: sự linh hoạt của dòng vốn và yêu cầu cao về minh bạch, trách nhiệm giải trình đang thách thức mô hình quản lý truyền thống kiểu gia đình.
Bloomberg dẫn lời một nhà phân tích tại Bernstein nhận xét: "Chúng tôi coi Toyota Industries là 'cửa ải cuối' trong cải cách quản trị tại Toyota Group. Sự chú ý ngày càng tăng từ giới quản lý và thị trường sẽ thúc đẩy tái cấu trúc mô hình niêm yết giữa công ty mẹ và công ty con."
Về tài chính, thương vụ này dự kiến được hỗ trợ bởi vốn cá nhân của Akio Toyoda cùng khoản vay từ các ngân hàng lớn của Nhật Bản như Mitsubishi UFJ Financial Group.
Akio Toyoda, năm nay 68 tuổi, đã rời vị trí CEO Toyota Motor vào năm 2023 nhưng vẫn giữ vai trò Chủ tịch. Mặc dù đối mặt với sự phản đối ngày càng lớn từ cổ đông, quan điểm kiên định của ông về chiến lược "đa lộ trình" (phát triển song song xe xăng lai điện, xe điện, và các công nghệ khác) đang cho thấy hiệu quả. Trong khi các đối thủ bị chậm lại trong quá trình chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn, Toyota tiếp tục duy trì vị trí hãng xe bán chạy nhất thế giới, với giá trị thị trường đứng thứ hai chỉ sau Tesla.
Việc thâu tóm thành công Toyota Industries sẽ giúp Akio Toyoda siết chặt kiểm soát nội bộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc sâu hơn nhóm Toyota, trong bối cảnh toàn ngành ô tô toàn cầu đang đứng trước những thay đổi lớn về công nghệ và nhu cầu tiêu dùng.