Theo nhiều chuyên gia, Nhật Bản và ASEAN cần tăng cường hợp tác hơn nữa để bảo vệ hệ thống thương mại tự do.
Hệ thống thương mại tự do toàn cầu đã hứng chịu một "cú sốc" khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố các biện pháp thuế quan đối ứng chưa từng có, áp dụng rộng rãi đối với 180 quốc gia, dù phần lớn đã được hoãn sau đó.
Các thị trường toàn cầu đã bị chao đảo bởi việc tăng thuế toàn diện này, làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại trong bối cảnh Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều phát tín hiệu sẽ áp dụng các biện pháp thuế trả đũa.
Lý do được Mỹ đưa ra cho việc áp thuế là để bảo vệ an ninh kinh tế, tuy nhiên, việc lạm dụng thuế quan đang phá vỡ nền tảng của hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
Các biện pháp thuế đối ứng này rõ ràng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc nâng thuế vượt quá giới hạn cam kết của tất cả các quốc gia tham gia WTO là hành vi phá vỡ cam kết.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump đã viện dẫn lý do an ninh quốc gia để áp thuế lên thép và sắt, nhưng lập luận này đã bị WTO bác bỏ. Nếu một cường quốc có thể sử dụng lý do như vậy để áp dụng chính sách nhằm vào từng quốc gia riêng lẻ, các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ trả đũa, dẫn đến sự suy yếu của các quy tắc thương mại toàn cầu.
Theo Sukegawa Seiya, Giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị và Kinh tế, Đại học Kokushikan, các biện pháp thuế quan đối ứng gần đây cũng đã gây ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nước, kể cả nhiều quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á.
Ông Sukegawa cho rằng, Nhật Bản và ASEAN cần hợp tác để bảo vệ hệ thống thương mại đa dạng và dựa trên luật lệ. Trước hết, họ nên hợp tác dưới sự điều phối của WTO, đưa ra lập luận rằng các biện pháp thuế của Mỹ đã vi phạm các hiệp định quốc tế.
"Ngay cả khi Mỹ không chấp nhận phán quyết của WTO, việc Nhật Bản, các nước ASEAN và các quốc gia có cùng quan điểm đoàn kết bảo vệ pháp quyền trong hệ thống thương mại toàn cầu vẫn có ý nghĩa to lớn", ông nói thêm.
Bên cạnh đó, Nhật Bản và ASEAN nên nỗ lực củng cố các khuôn khổ thương mại tự do trong khu vực. Khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017, Nhật Bản đã dẫn dắt các nước còn lại hình thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vương quốc Anh sau đó đã được chấp nhận trở thành thành viên của CPTPP, khi khu vực thương mại tự do này tiếp tục mở rộng.
Chuyên gia này nhận định, cùng với CPTPP, các hiệp định khác như RCEP... đang được củng cố, việc phát triển các khu vực thương mại tự do trong khu vực là điều hết sức quan trọng. Thông qua các khuôn khổ này, tự do thương mại vẫn có thể được đề cao ở cấp khu vực, ngay cả khi một số cường quốc đang nghiêng về chủ nghĩa bảo hộ.
Theo các cuộc thăm dò ý kiến ở ASEAN, Nhật Bản vẫn là đối tác nhận được tin tưởng mạnh mẽ. Trong Báo cáo Khảo sát Tình hình Đông Nam Á năm 2025 do Viện ISEAS–Yusof Ishak tại Singapore công bố gần đây, Nhật Bản được công nhận là một quốc gia có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu.
Thông qua các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và ngoại giao kiên trì với Mỹ, Nhật Bản có thể thúc đẩy tầm quan trọng của các hệ thống đa phương.
Chuyên gia Sukegawa nhấn mạnh rằng, Nhật Bản nên nỗ lực hơn nữa để bảo vệ hệ thống thương mại tự do, không chỉ vì sự thịnh vượng của chính quốc gia này, mà còn để đảm bảo ổn định trong khu vực và trên toàn thế giới. Nhật Bản cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc thiết lập trật tự thương mại và củng cố uy tín khu vực của mình.
Thông qua hợp tác với ASEAN, Nhật Bản có thể đối phó với làn sóng bảo hộ mới bằng cách tái khẳng định với cộng đồng quốc tế tầm quan trọng của một trật tự kinh tế mở dựa trên pháp quyền, và góp phần kìm hãm làn sóng bảo hộ đang gia tăng.