Nhiều chuyên gia cho rằng, Ấn Độ đang thúc đẩy hoà đàm Nga- Ukraine để thể hiện vai trò của mình trên trường quốc tế.
>> Lộ diện trung gian hòa giải tiềm năng cho chiến sự Nga - Ukraine
Theo giới chính trị gia, các điều kiện trên chiến trường sẽ phải thay đổi dứt khoát trước khi Moscow hoặc Kiev sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Khi chưa có giải pháp cuối cùng, ngoại giao vẫn có thể giúp hạn chế và giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh cũng như những tác động dây chuyền của nó đối với nền kinh tế toàn cầu.
Ấn Độ, với tư cách là một cường quốc được cả Nga và Ukraine săn đón kể từ khi bắt đầu chiến sự Nga - Ukraine, có một vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Việc New Delhi từ chối công khai lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã cho phép nước này duy trì mối quan hệ tích cực với Moscow. Nhưng quan hệ của Ấn Độ với Ukraine cũng đã ấm lên trong năm qua.
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Modi đã đảm bảo rằng Ấn Độ sẽ làm “mọi thứ có thể” để giúp chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine. Bằng cách đảm nhận vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, Ấn Độ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại rất cần thiết giữa các bên tham chiến, giảm bớt tác động của cuộc xung đột và giúp giảm bớt thiệt hại kinh tế mà chiến tranh đã gây ra cho Nam bán cầu.
Cuộc gặp giữa ông Modi và ông Zelensky đánh dấu một sự thay đổi đáng chú ý trong cách tiếp cận của Ấn Độ đối với Ukraine. Trong vài tháng qua, New Delhi đã thực hiện các bước cho thấy họ cuối cùng đã bắt đầu xem xét chiến sự Nga- Ukraine một cách nghiêm túc. Sự thay đổi này thể hiện mong muốn của Modi trở thành một chính khách có ảnh hưởng toàn cầu.
Có thể nói, Ấn Độ có cơ hội tham gia thúc đẩy hoà đàm Nga - Ukraine bởi vì họ đã không lên án Nga và tiếp tục duy trì quan hệ với nước này. Hơn một tuần sau khi gặp ông Zelensky, Thủ tướng Modi đã gọi điện cho ông Putin để thúc giục “đối thoại và ngoại giao” nhằm chấm dứt chiến tranh.
>> Bài học cho Ukraine sau 8 tuần phản công
Vào tháng 9 tới, Ấn Độ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp theo. Ấn độ có thể nhấn mạnh hơn nữa năng lực lãnh đạo của mình bằng cách gợi ý và hướng dẫn các trao đổi ngoại giao giữa Nga, Ukraine và các đồng minh. Những đề xuất lớn nhằm chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine đã được đưa ra bởi một số quốc gia, bao gồm Brazil, Trung Quốc và Indonesia. Nhưng Ấn Độ có thể đưa các bên liên quan vào bàn đàm phán để đạt được các thỏa thuận.
Thứ nhất, Ấn Độ có thể tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa Nga và Ukraine. Chính phủ Ấn Độ cũng có thể hỗ trợ các cuộc đàm phán bán chính thức và các cuộc đàm thoại không chính thức giữa Nga, Ukraine, Hoa Kỳ và Châu Âu để thảo luận về tình trạng hiện tại và diễn biến của cuộc chiến, ý nghĩa của nó và những cách thức có thể kết thúc cuộc chiến.
Ông Happymon Jacob, Phó Giáo sư về Ngoại giao và Giải trừ Quân bị tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho rằng để bắt đầu, New Delhi nên bổ nhiệm một đặc phái viên để triệu tập các bên liên quan đến chiến sự Nga- Ukraine và thực hiện các nỗ lực như đã nêu ở trên. Đặc phái viên này cũng có thể tham gia các sáng kiến do các quốc gia và tổ chức quốc tế khác nhau thúc đẩy, chẳng hạn như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và IAEA, để phát triển một kế hoạch hòa bình hoặc ít nhất là các khía cạnh của một kế hoạch nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Nhưng Ấn Độ nên hành động nhanh chóng để tận dụng mối quan hệ đang tốt đẹp giữa ông Modi và ông Zelensky và sự chú ý mà Ấn Độ sẽ nhận được với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới.
“Việc cố gắng đảm nhận một vai trò như vậy là điều không thể chối cãi vì lợi ích của Ấn Độ. Ở cấp độ rộng nhất, những hành động này sẽ cho phép chính phủ ông Modi nhắc nhở thế giới rằng Ấn Độ là một cường quốc quan trọng, là một cực trong hệ thống quốc tế đa cực. Điều này càng quan trọng hơn đối với Ấn Độ vào thời điểm mà Trung Quốc cũng đang tìm cách thể hiện mình là một nhà kiến tạo hòa bình quốc tế”, ông Happymon Jacob nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine xoay xở nguồn đạn pháo
03:30, 04/08/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Ukraine "vỡ mộng" máy bay F16?
04:00, 29/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Sức ép lớn với ông Joe Biden
04:30, 28/07/2023
Chiến sự Nga – Ukraine: “Hé lộ” thế khó phản công của Ukraine
03:30, 26/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Bất cập từ viện trợ vũ khí
03:00, 25/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine sẽ lan rộng ra Biển Đen?
04:30, 23/07/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Hai bên sắp tiến tới hòa đàm?
05:00, 20/07/2023