Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng y tế ở Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết hàng đầu của các cơ quan ban ngành hiện nay.
Còn nhiều bất cập
Ngành Y tế Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế, bất cập.
Hệ thống Y tế tại Việt Nam vẫn còn cồng kềnh với quá nhiều đầu mối mà lại thiếu đi sự đồng bộ. Điển hình là các cơ sở Y tế công và các cơ sở Y tế tư nhân chưa có sự phối hợp chặt chẽ để phù hợp với mô hình biến đổi bệnh tật, sự đi xuống của vệ sinh an toàn thực phẩm, già hóa dân số. Trong khi đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng lên.
Cơ chế tài chính và Bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, chưa thực sự tương thích với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại sự lúng túng trong việc đổi mới cơ chế hoạt động cũng như quản lý trong các cơ sở y tế công. Còn với các cơ sở y tế tư nhân, cả mô hình và cơ chế quản lý vẫn còn nhiều mặt yếu kém cần khắc phục.
Truyền thông cho ngành Y tế chưa thực sự phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. Đại bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, không đi khám sức khỏe định kỳ, mua thuốc và sử dụng kháng sinh bừa bãi mà không có sự chỉ định của y bác sỹ.
Điểm khó khăn nhất mà ngành Y tế đang gặp phải hiện nay là việc ứng dụng công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực cần các cơ quan, bộ ngành đẩy mạnh để hoàn thành kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, hệ thống các bệnh viện, thành lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân, chữ ký điện tử.... Cùng với đó, việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất các loại vắc-xin, thuốc, máy móc mới, đáp ứng đủ nhu cầu, giảm nhập khẩu cần đặc biệt được chú trọng.
Đâu là giải pháp?
Để hạn chế những khó khăn và nâng cao chất lượng ngành Y tế Việt Nam, sánh vai với các nền y tế phát triển trên thế giới, nhiều giải pháp cấp thiết đã được các chuyên gia khuyến nghị như:
Ngành y tế cần đảm bảo có được sự chỉ đạo xuyên suốt về chuyên môn và nghiệp vụ theo các cấp bậc từ Trung ương tới địa phương trên phạm vi cả nước. Đối với y tế cơ sở, cần có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa để hoàn thiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, có thể là hướng đi để hình thành mạng lưới bác sĩ gia đình.
Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ BHYT toàn dân bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp. Có sự điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân để phù hợp với thu nhập và điều kiện phát triển kinh tế.
Ngoài ra, cần đảm bảo sự liên kết và hợp tác giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại. Nâng cao năng lực và chất lượng giám định BHYT, đảm bảo khách quan, minh bạch. Ngành y tế cũng cần thực hiện các giải pháp nhất định để tránh tình trạng lạm dụng, mưu đồ trục lợi, đảm bảo quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm luôn ở trong tình trạng cân đối.
Tăng cường truyền thông trong việc giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe bản thân, tăng cường quyền hạn của Ban tuyên giáo, Ngành Y tế và Ngành thông tin.
Tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu tham gia các chương trình công nghệ để tập trung đẩy mạnh các sản phẩm, máy móc phục vụ cho việc khám chữa bệnh, hỗ trợ nâng cao tay nghề của đội ngũ y bác sĩ. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai một số chương trình hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao chất lượng y học nước nhà, có thể kể đến như:
Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới; chế tạo dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến; có sức cạnh tranh cao; ưu tiên những ngành công nghiệp mới tạo giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, tập trung vào những lĩnh vực mới trong lĩnh vực sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới.
Trong khoảng thời gian qua, một số dự án về y học được triển khai như: Công nghệ sản xuất vắc-xin đa giá phòng 03 bệnh viêm phổi phổ biến ở lợn, Công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 cho gia cầm, Công nghệ sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn, Công nghệ sản xuất vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc.
Ngoài ra, các loại vắc-xin phòng bệnh cho người liên tục được nghiên cứu sản xuất sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu đề ra của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất được 12 loại vắc-xin và đến năm 2030 sẽ sản xuất ra được 14 loại để sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chương trình có mục tiêu nâng cao chất lượng công nghệ cao trong chẩn đoán, giám định và điều trị các bệnh, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo; chế tạo và sản xuất vắc-xin tái tổ hợp, protein tái tổ hợp; tạo các giống cây, vi sinh vật chuyển gen có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ chẩn đoán, điều trị, thay thế các mô, cơ quan; làm chủ công nghệ tế bào trong chọn, tạo giống mới trong nông, lâm, thuỷ sản; khai thác công nghệ enzym - protein phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, hay công nghệ vi sinh định hướng công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường.
Chương trình cũng có mục tiêu bước đầu hình thành bản đồ gen của người Việt Nam. Thời gian qua, một trong các đề án được phê duyệt trong chương trình này là Dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ nano” do Công ty TNHH MTV nhà máy United Heathcare thực hiện, hay “Nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm Vi sinh, Enzym và Protein” do Công ty TNHH Tư vấn Y dược quốc tế (IMC) chủ trì.
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 có mục tiêu khuyến khích nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia như phát triển sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi ở Việt Nam… "Hoàn thiện và đổi mới công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất ống thủy tinh y tế” hay “Ứng dụng kỹ thuật bao vi nang để đổi mới công nghệ sản xuất một số dạng thuốc uống” là hai trong số các nhiệm vụ về lĩnh vực y dược học được phê duyệt thuộc chương trình này.
Bên cạnh đó còn có các chương trình Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia Phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020; Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng,...
“Nếu không đột phá thực sự về khoa học, công nghệ, đất nước sẽ không vượt lên được, thậm chí đuổi kịp các nước trong khu vực cũng vô cùng khó khăn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại lễ trao giải thường Giải thưởng Trần Đại Nghĩa tháng 5 vừa qua.
Tới đây, Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Khoa học và Công nghệ sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (29-30/11), một lần nữa quy tụ những đặc sắc công nghệ ấn tượng đã và đang đem lại nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Có thể khẳng định rằng, việc nâng cao chất lượng ngành Y tế tại Việt Nam là một bài toán trong dài hạn và yếu tố công nghệ chính là một trong những yếu tố tiên quyết để đạt được bước tiến đó.