Liên minh châu Âu (EU) áp dụng tính thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu từ năm 2023, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu áp dụng có lộ trình loại thuế này cho hoạt động sản xuất trong nước…
>>Cam kết giảm carbon và lo ngại "hiệu ứng cánh bướm" ngành vận tải biển
Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc EU áp dụng tính thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu với phạm vi rộng từ năm 2023 được dự báo sẽ gây những khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU, ông đánh giá sao về nhận định này?
Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2020 thì chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chịu thuế biên giới carbon tại EU như: Dệt may (3,07 tỷ USD), thép (494,406 triệu USD), sản phẩm từ chất dẻo (458,1 triệu USD), than đá (122 nghìn USD), các sản phẩm hóa chất (15,99 triệu USD), đá quý, kim loại quý và sản phẩm (60,2 triệu USD), giấy và các sản phẩm từ giấy (4,76 triệu USD).
Trong đó, thép là hàng hóa có khả năng chịu thuế carbon cao nhất vì ở Việt Nam sử dụng nhiên liệu đầu vào như than để sản xuất thép. Bởi, theo ước tính của Bộ Công Thương, để sản xuất 10 triệu tấn thép hàng năm sẽ tạo ra 21 triệu tấn khí thải carbon và lượng xả thải carbon từ sản xuất thép sẽ chiếm khoảng 17% tổng lượng xả thải carbon quốc gia đến năm 2025. Các mặt hàng khác như dầu mỏ, khoáng sản, xi măng thì Việt Nam gần như không xuất khẩu hoặc xuất khẩu rất ít sang EU.
Việt Nam dù không nằm trong danh sách top 5 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất các mặt hàng trong một số lĩnh vực bị xem xét của EU, nhưng EU đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Do vậy, trong tương lai, các doanh nghiệp sản xuất trong các ngành có nguy cơ cao như thép, nhôm, lọc dầu, xi măng, giấy, thủy tinh, phân bón, năng lượng… của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU sẽ gặp nhiều khó khăn.
Xét trong ngắn hạn, việc EU áp dụng thuế biên giới carbon đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khiến GDP của Việt Nam thấp hơn bởi xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm khá cao khi ở mức khoảng 10% GDP hàng năm của quốc gia và đồng thời các nhà sản xuất tại các nước phát triển sẽ giảm đầu tư tại Việt Nam khi các hàng hóa xuất khẩu của họ vào EU bị áp thuế biên giới carbon.
>>Cần triển khai công cụ định giá carbon tại Việt Nam
- Bên cạnh những ảnh hưởng đã nêu, việc EU áp dụng tính thuế carbon, liệu còn tiềm ẩn nguy cơ gì với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không, thưa ông?
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng mạnh. Đáng chú ý, các mặt hàng đang có lợi thế của Việt Nam và trực tiếp tạo công ăn việc làm cho người dân như nông sản, thủy sản, lâm sản, dệt may, da giầy... có sức tăng ngoạn mục.
Mặc dù tới đây, EU mới chỉ áp thuế carbon với các mặt hàng công nghiệp như xi măng, luyện kim, sắt thép, giấy, thủy tinh... nhưng khả năng các mặt hàng nông nghiệp phải chịu thuế cũng không loại trừ.
Trong trường hợp đề xuất đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu của EU có hiệu lực thi hành thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này bị ảnh hưởng khá lớn vì Việt Nam mặc dù đã áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với 8 mặt hàng, nhưng lại chưa áp dụng thuế xả thải carbon và quy chuẩn về xả khí thải của Việt Nam thấp hơn EU. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ bị đánh thuế cao như: dệt may, thép, chất dẻo.
- Trước những ảnh hưởng và nguy cơ tiềm ẩn, Việt Nam cần có giải pháp gì để giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, thưa ông?
Để giảm thiểu những khó khăn cho doanh nghiệp, theo tôi, các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu áp dụng thuế biên giới carbon tại Việt Nam, bởi việc áp thuế biên giới carbon không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất tại Việt Nam, mà còn là căn cứ để đàm phán thương mại về thuế suất carbon đối với hàng hóa nhập khẩu mà EU dự định áp dụng,…
Tuy nhiên, việc áp dụng thuế biên giới carbon cần có lộ trình và có thể chưa áp dụng ngay sau khi EU áp thuế biên giới carbon vào năm 2023 do áp dụng thuế biên giới carbon cũng mang lại một số bất lợi đối với kinh tế Việt Nam như: Giảm thiểu cạnh tranh thương mại của các hàng hóa Việt Nam do giá sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng; Tăng khả năng cạnh tranh của các hàng hóa EU vào Việt Nam do giá hàng hóa nội địa gia tăng khi áp thuế biên giới carbon.
Trong thời gian này, chúng ta có thể áp dụng giải pháp khác thay thế việc áp dụng thuế biên giới carbon trong nước là khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Chính phủ có thể ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng hay các chính sách khác cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch hơn.
Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thương mại Xanh và thuế carbon cho tương lai Việt Nam
11:00, 18/01/2022
Giá nào cho khí thải carbon?: Thuế carbon toàn cầu chưa khả thi
11:00, 04/12/2020
Cam kết giảm carbon và lo ngại "hiệu ứng cánh bướm" ngành vận tải biển
04:00, 21/11/2022
Hydrogen xanh góp phần giảm phát thải carbon ở Việt Nam
15:00, 19/10/2022
Cần triển khai công cụ định giá carbon tại Việt Nam
11:00, 29/09/2022
Doanh nghiệp cam kết đạt trung hòa carbon
08:32, 28/09/2022
Thêm doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy mới vận hành trung hòa carbon
08:38, 07/09/2022
Rào cản trên lộ trình thực hiện mục tiêu trung hòa carbon
04:00, 03/09/2022