Một số doanh nghiệp khẳng định việc áp trần lãi suất 20% sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước.
Tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1/5/2017, nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
01:13, 19/11/2018
08:30, 17/11/2018
Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Về vấn đề này, đại diện một tập đoàn lớn cho biết quy định khống chế lãi vay ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước.
“Đơn cử như tập đoàn chúng tôi đầu tư vào những lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp nặng… cần nhiều vốn, toàn bộ chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế Thu nhập cá nhân. Khả năng huy động tín dụng không vay trực tiếp được qua ngân hàng mà vay qua công ty mẹ tập đoàn. Do đó, việc khống chế chi phí lãi vay 20% sẽ khiến doanh nghiệp rất khó khăn vì không được trừ thuế” - Đại diện một tập đoàn này cho biết.
Đại diện một tập đoàn đề xuất sửa Nghị định 20 cho phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Trong trường hợp không kịp sửa đổi, doanh nghiệp đề nghị tạm thời chưa áp dụng khoản 3, điều 8 của Nghị định này.
Phản hồi về thông tin này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, chính sách thuế của Việt Nam đang có sự thay đổi phù hợp với thông lệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này nền kinh tế hội nhập sâu và Nghị định này thực hiện theo yêu cầu của các nước OECD với mục tiêu chống xói mòn nguồn thu. Trong đó, Chính phủ quy định khống chế lãi vay 20% được đưa ra dựa trên cơ sở khảo sát trên 2000 tập đoàn trên thế giới.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam.