Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh khẳng định: ASEAN BAC 101 VÀ JBC 24 là nơi thảo luận về chiến lược phát triển cho tương lai.
Kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) lần thứ 101 và Hội đồng Doanh nghiệp Chung ASEAN (JBC) lần thứ 24 là hai kỳ họp quan trọng được tổ chức tại Việt Nam, tập trung thảo luận các vấn đề kinh tế và thương mại trong khu vực ASEAN.
- Thưa ông, kỳ họp ASEAN BAC 101 và JBC 24 vừa diễn ra tại Việt Nam là một sự kiện rất quan trọng. Ông đánh giá ra sao về kết quả kỳ họp?
Ngay từ đầu năm khi Lào nhậm chức chủ tịch ASEAN BAC 2024, VCCI và ASEAN BAC Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Lào một cách nhiệt thành trong việc chuẩn bị và đăng cai tổ chức kỳ họp ASEAN BAC lần thứ 101 và JBC 24 tại Hà Nội. Trên thực tế kỳ họp đã diễn ra thành công với những thảo luận sôi nổi và kết quả rất thiết thực.
Cuộc họp hội đồng buổi sáng và cuộc họp với Hội đồng Doanh nghiệp Chung lần thứ 24 đã chứng kiến nhiều trao đổi có ý nghĩa. Tôi đảm bảo rằng kết quả cuộc họp này sẽ là một nền tảng mạnh mẽ cho sự tiến bộ, hợp tác và tái tạo năng lượng trong sứ mệnh chung của Việt Nam và khối ASEAN.
Chiều cùng ngày, các thành viên ASEAN BAC cũng đã có buổi chào xã giao với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Đây là một điểm nhấn quan trọng của ngày làm việc. Những hoạt động này không chỉ mang lại cơ hội khám phá những tiến bộ của Việt Nam mà còn để củng cố thêm tình bạn và sự đoàn kết đặc trưng của ASEAN BAC.
- Quan điểm của ASEAN BAC Việt Nam ra sao đối với những nội dung trọng tâm của kỳ họp lần này, thưa ông?
ASEAN BAC 2024 đã tập trung vào các Dự án Di sản nhằm tăng cường kết nối và khả năng phục hồi khu vực.
Một trong những sáng kiến nổi bật nhất chính là việc áp dụng Bộ Chỉ số Phát triển bền vững (CSI) do VCCI sáng lập cho các doanh nghiệp trong khối ASEAN.
Về Chuyển đổi số, Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN BAC tập trung vào chuyển đổi số để làm đòn bẩy cho hội nhập kinh tế trên toàn ASEAN. Đề xuất thành lập các khu vực thử nghiệm và thúc đẩy Thỏa thuận khung kinh tế số (DEFA) là sáng kiến rất hay. Ngoài ra, ý tưởng chuyển đổi ASEAN thành một thị trường kỹ thuật số có thể tương tác, đầu tư là một ý tưởng rất hay mà Việt Nam sẵn sàng ủng hộ.
Về chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam đánh giá cao Thảo luận về chuyển đổi năng lượng xanh và những tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), cũng như ủng hộ ASEAN BAC về một khuôn khổ chính sách phối hợp trên toàn ASEAN để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi này.
Việc thành lập Trung tâm ASEAN Net Zero và Trung tâm xuất sắc về carbon ASEAN là những sáng kiến mà Việt Nam sẵn sàng ủng hộ.
Đặc biệt, về kết nối chuỗi cung ứng, việc đẩy mạnh vai trò của ASEAN thành “cường quốc chuỗi cung ứng toàn cầu” là kịp thời và cần thiết. Việt Nam đồng tình với các khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác công tư, thu hút đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, đầu tư vào các ngành mới nổi cũng là một vấn đề được quan tâm. Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của các lĩnh vực như nông nghiệp giá trị cao, sản xuất công nghệ cao và kinh tế số. Cuối cùng, Việt Nam ủng hộ việc giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư hiện có trong ASEAN.
Chúng tôi tin rằng bằng cách xóa bỏ các rào cản này, chúng ta có thể tăng cường thương mại nội khối ASEAN, thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn và đảm bảo rằng khu vực của chúng ta có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
- Ông có thể chia sẻ những nội dung quan trọng trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ASEAN BAC vừa qua?
Tại cuộc gặp này, Chủ tịch ASEAN BAC Oudet Souvannavong và Chủ tịch ASEAN BAC các nước chia sẻ về những mất mát về người và tài sản mà Việt Nam phải gánh chịu do bão số 3 và mưa lũ, ngập lụt gây ra những ngày qua.
Trong vấn đề này, theo sáng kiến của ASEAN BAC Việt Nam cũng như được sự hưởng ứng của các thành viên ASEAN BAC, Hội đồng đã cam kết ủng hộ Việt Nam 50.000 USD để khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra.
Từ phía Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN ủng hộ Lào tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 44-45 và các Hội nghị liên quan. Thủ tướng đã khẳng định vai trò then chốt của cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN trong sự phát triển của khối cho tới nay.
Tại cuộc gặp vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề nghị ASEAN BAC cùng các nước ASEAN thực hiện 05 đồng hành, gồm đồng hành trong xây dựng thể chế, chính sách; đồng hành trong kết nối kinh tế về hạ tầng; đồng hành trong huy động nguồn lực; đồng hành trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; và đồng hành trong xây dựng, quản lý doanh nghiệp thông minh, hiện đại, đổi mới sáng tạo.
- Trân trọng cám ơn ông!