Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số rộng lớn hơn, ASEAN đang hướng tới việc hiện thực hóa Hiệp định Khung Kinh tế Số (DEFA).
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, hệ thống thanh toán kỹ thuật số và lưới điện phủ khắp tất cả các nước thành viên ASEAN sẽ là "chìa khóa" để tạo nên mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong khu vực.
"Các quốc gia ASEAN nhận thức rằng việc tăng cường các nỗ lực hội nhập chung đang ngày càng trở nên quan trọng khi sự cạnh tranh giữa các cường quốc và các rủi ro địa chính trị khác ngày càng sâu sắc, có khả năng làm gia tăng áp lực kinh tế bên ngoài", Tiến sĩ Vivian Balakrishnan cho biết.
Theo Tiến sĩ Balakrishnan, ASEAN không thể kiểm soát chương trình nghị sự của các siêu cường, hay thậm chí là thế giới rộng lớn hơn, nhưng khối này nên tập trung vào việc hội nhập, củng cố nền kinh tế và khả năng kết nối của mình.
Giới quan sát cho rằng, các cuộc họp của ASEAN trong năm nay là cơ hội để chứng minh rằng khối có cách tiếp cận tập thể để hoàn thành mọi công việc; đồng thời trích dẫn những nỗ lực của khối này trong việc tích hợp các hệ thống thanh toán kỹ thuật số như một ví dụ về sự hội nhập và tiềm năng của khối.
Theo Dự án Nexus, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Ấn Độ đã có các chương trình hợp tác giữa các ngân hàng trung ương của họ để tạo ra một mạng lưới giao dịch thanh toán xuyên biên giới tức thì.
Điều này được thực hiện bằng cách liên kết các hệ thống thanh toán kỹ thuật số của từng quốc gia, bao gồm PayNow của Singapore, DuitNow của Malaysia, PromptPay của Thái Lan, InstaPay của Philippines và Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) của Ấn Độ.
Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số rộng lớn hơn, ASEAN đang hướng tới việc hiện thực hóa Hiệp định DEFA. Malaysia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, đã kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường cam kết hoàn tất đàm phán DEFA vào cuối năm 2025.
DEFA được coi là thỏa thuận kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới. Thỏa thuận này nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ASEAN thành nền kinh tế số hàng đầu, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn và mở đường cho sự hội nhập số lớn hơn cũng như tăng trưởng và phát triển toàn diện.
Dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, ASEAN hiện là thị trường Internet phát triển nhanh nhất thế giới, với khoảng 125.000 người dùng mới tham gia mỗi ngày. Theo Boston Consulting Group, nền kinh tế số của khối này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần từ khoảng 300 tỷ đô la Mỹ lên gần 1 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.
Ngoài ra, các nước thành viên cũng đã đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán để thiết lập lưới điện ASEAN. Khối đang thảo luận về việc phát triển mạng lưới hiện tại thành một hệ thống lưới điện Đông Nam Á hoàn toàn tích hợp để cho phép chia sẻ năng lượng và tăng cường thương mại điện xuyên biên giới.
Các chuyên gia nhận định rằng đây là một ví dụ về một dự án dài hạn, giúp ASEAN chứng minh rằng họ có thể áp dụng cách tiếp cận tập thể để hoàn thành các công việc, đồng thời đòi hỏi các thành viên phải có "hệ thống quy định" đáng tin cậy và mối quan hệ ngoại giao tốt.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2024 tại Lào, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho biết để đạt được lưới điện ASEAN theo kế hoạch, các nước thành viên cần thiết lập các khuôn khổ pháp lý và thương mại rõ ràng cho hoạt động thương mại năng lượng xuyên biên giới.
Ông Wong nói thêm rằng khi ASEAN nỗ lực tạo ra khuôn khổ phát triển cáp điện ngầm vào cuối năm 2025, khối có thể tham khảo khuôn khổ khu vực hiện có dành cho cáp quang. Khối này cũng nên tận dụng sự quan tâm của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các đối tác bên ngoài khác để huy động vốn cho lưới điện khu vực.
Trước lễ nhậm chức của ông Trump và triển vọng nhiều chính sách bảo hộ hơn từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, ASEAN cần sẵn sàng đối phó với sự thay đổi này ở một trong những đối tác chính của mình trong thời gian tới.
"ASEAN sẽ phải thực hiện các điều chỉnh cần thiết ngay cả khi Tổng thống Trump thay đổi các chính sách của mình”, ông Piter Abdullah, Giám đốc điều hành của Viện Segara có trụ sở tại Jakarta, nói với CNA.