Một thập kỷ trôi qua kể từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khu vực này đã đạt được bước tiến lớn trong hội nhập và thu hút FDI.
Bất chấp những thành tựu, thương mại nội khối ASEAN và sự đa dạng trong khu vực vẫn đặt ra những thách thức. Khi AEC được thành lập vào năm 2015 để thúc đẩy hội nhập kinh tế, đã có những nghi ngờ về cách tiếp cận đồng thuận của ASEAN đối với việc ra quyết định.
Một thập kỷ sau, những con số đã xoa dịu những lo ngại. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng năm vào ASEAN từ năm 2015 đã tăng đáng kể, vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng mỗi năm.
Dưới sự dẫn dắt của AEC, một môi trường thân thiện với đầu tư đã được tạo ra, bao gồm việc thiết lập Cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2018 để đơn giản hóa việc trao đổi các tài liệu thương mại điện tử và Hiệp định khung về đầu tư ASEAN được thiết lập vào năm 2021. Những điều này, cùng với khu vực thương mại tự do đã được thiết lập từ lâu, đã thúc đẩy sự hội nhập và tăng trưởng trong các ngành chiến lược như sản xuất và dịch vụ.
Bổ sung cho những biện pháp này là các chính sách của từng quốc gia nhằm thúc đẩy FDI và tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi chiếm 30% nền kinh tế toàn cầu.
Theo chuyên gia Sam Cheong, Giám đốc của Nhóm tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại UOB, khi khu vực này chuyển hướng mạnh mẽ sang các dịch vụ có giá trị cao hơn như sản xuất chất bán dẫn và khi nền kinh tế số phát triển, Đông Nam Á không còn được coi là cơ sở sản xuất chi phí thấp.
Ở những lĩnh vực mới nổi như xe điện (EV), các quốc gia như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang trở thành những điểm đến toàn diện, cung cấp nguyên liệu thô, dây chuyền sản xuất và thậm chí cả thị trường tiêu thụ.
Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng đã thu hút các thương hiệu quốc tế như chuỗi siêu thị Don Don Donki, nhà hàng lẩu Haidilao và trang phục thể thao Andar.
Đông Nam Á cũng đang nhanh chóng củng cố vị thế của mình như một trung tâm tài chính và kỹ thuật số, với khoản đầu tư quốc tế vào nền kinh tế kỹ thuật số (thương mại điện tử, công nghệ tài chính và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số) tăng gấp năm lần lên 4,4 tỷ đô la Mỹ kể từ khi AEC được thành lập.
Ông Cheong cho biết: "Giờ đây, các nhà đầu tư đã có niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng của khu vực, thể hiện ở con số hơn 5.000 doanh nghiệp đa quốc gia có trụ sở hoạt động ở Đông Nam Á".
Quan điểm ủng hộ đa phương, cởi mở của khu vực này đánh dấu đây là một trung tâm thương mại và đầu tư. Khu vực đã chứng kiến sự hình thành các mối quan hệ hợp tác giữa các công ty từ các quốc gia khác nhau. Những công ty này có thể không hợp tác ở trong nước, nhưng lại làm việc cùng nhau tại Đông Nam Á.
Có thể thấy, thập kỷ đầu tiên của AEC đã mang lại những kết quả tốt, nhưng vẫn còn chặng đường 10 năm tiếp theo và xa hơn nữa đang chờ đón với nhiều thách thức như những trở ngại trong đầu tư nội khối, đã giảm 35% từ năm 2022 xuống còn 21,9 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.
Sự phát triển giữa các thành viên ASEAN vẫn chưa đồng đều. Các nền kinh tế phát triển như Singapore cần tận dụng vai trò là trung tâm chiến lược của khối, tạo điều kiện cho dòng vốn FDI chảy vào các nước láng giềng.
Bằng cách tận dụng các lợi thế bổ sung, khu vực này có thể tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn. Các chuyên gia của UOB tin rằng Đông Nam Á sẽ tiếp tục hấp dẫn trong thu hút FDI. Dự kiến FDI trong khu vực sẽ đạt 312 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027, tăng từ 226 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, với dòng chảy thương mại đạt 4,7 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2027, tăng từ 3,5 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2023.
ASEAN, với mức tiêu dùng, xuất khẩu và lực lượng lao động trẻ không ngừng tăng trưởng, đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Đến lúc đó, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN có thể có giá trị hơn 2 nghìn tỷ đô la Mỹ.