Ba Làng An và khát vọng bình yên

Cẩm Hà 22/02/2018 04:59

Nói đến du lịch Quảng Ngãi, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến Lý Sơn. Nhưng còn một “địa chỉ đỏ” khác, có liên hệ hữu cơ với hòn đảo tiền tiêu của Tổ Quốc ấy: Mũi Ba Làng An.

Là nơi có ngọn hải đăng cùng tên vẫn đêm đêm thủy chung làm bạn với người đi biển, dẫn lối tàu thuyền ra vào cảng Sa Kỳ, chẳng biết tự bao giờ, cái tên “Tây” Cape Batangan (Mũi Batangan) được Việt hóa một cách đầy ý nghĩa thành mũi Ba Làng An. Đây là phần đất liền có khoảng cách gần nhất đến với quần đảo Hoàng Sa, so với các nước trong khu vực. Các bản đồ đều cho thấy, khoảng cách từ mũi Ba Làng An đến Hoàng Sa là 135 hải lý, trong khi đó, khoảng cách từ Hoàng Sa đến đất liền lục địa Trung Hoa là hơn 230 hải lý. Còn theo những ngư dân lão luyện thông thuộc vùng biển này thì từ đây ra đến Hoàng Sa mất gần 2 ngày 1 đêm trên con tàu 200 CV.

Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, Ba Làng An là tên người dân địa phương gọi chung cho mũi đất này, được hình thành từ ba ngôi làng cùng tên An, gồm: An Hải (Bình Châu), An Vĩnh, An Kỳ (Sơn Tịnh). Những cư dân Việt đầu tiên phát hiện và sinh cơ lập nghiệp trên đảo Lý Sơn đã ra đi từ đây, mang theo họ những địa danh thân thương An Hải, An Vĩnh (và sau này là An Bình) để đặt cho những làng xã trên quê hương mới.

Dấu tích của đội Hoàng Sa tại mũi đất này là địa danh Vườn Đồn (thôn An Vĩnh, Tịnh Kỳ) - nơi xuất phát của đội Hoàng Sa ngày trước, nay là nơi đồn biên phòng Sa Kỳ đóng chân. Cách đồn biên phòng vài trăm mét là dấu tích miếu Hoàng Sa. Xưa kia trước mỗi lần dong thuyền ra biển, đội Hoàng Sa đến đây để lễ tế thần linh, cầu Ông Nam Hải phù trợ. Tương truyền miếu Hoàng Sa thờ hài cốt đầu cá Ông được mang về từ Hoàng Sa. Chiến tranh loạn lạc, miếu bị tàn phá, bộ xương cá Ông được chuyển sang thờ tại Lăng Chánh, vùng Tịnh Kỳ.

Trong chiến tranh, cửa biển Ba Làng An là cứ địa quan trọng, từng xảy ra những trận chiến đẫm máu giữa ta và địch. Địa đạo Đám Toái (thôn Phú Quý, Bình Châu) là minh chứng cho ý chí cách mạng của quân và dân nơi đây, cũng là nơi đã chứng kiến sự hy sinh, mất mát đau thương của toàn bộ một trạm phẫu tiền phương bị địch dùng thuốc nổ đánh sập hoàn toàn.

Ngay cả đối với những người không thực sự hiểu biết về lịch sử, thì chỉ riêng quang cảnh hùng vĩ hiếm có nơi đây cũng đã thừa đủ sức thu hút rồi

Nhưng ngay cả đối với những người không thực sự hiểu biết về lịch sử, thì chỉ riêng quang cảnh hùng vĩ hiếm có nơi đây cũng đã thừa đủ sức thu hút rồi.

Đúng như nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh miêu tả: “Suốt miền Trung, sông suối dày tơ nhện/ Suốt miền Trung, núi choài ra biển/ Nên gập ghềnh câu lý ngựa ô qua”, ở đây, những đồi núi đá ong, đá trầm tích lô nhô chồm ra biển. Những nếp đá hình cánh cung, những khối phún xuất thạch màu đen tuyền, vốn là dung nham núi lửa (magma) chảy tràn ra biển có thể trở thành bối cảnh tuyệt vời cho những ai yêu thích nhiếp ảnh. Kết cấu địa chất đặc sắc của quần thể đá ở đây đang được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đề xuất xây dựng một Công viên địa chất cùng với ghềnh đá đĩa Tuy An (Phú Yên) và quần thể bazan dạng cột thác Trinh nữ ở tỉnh Đăk Nông.

Không chỉ có đá kỳ vĩ, vùng An Hải phía bắc cửa Sa Kỳ có núi thấp chạy sát mép biển bỗng dưng uốn cong tạo eo lõm vào đất liền, với cát trắng phau. Mùa gió nồm, gió thổi vun cát vào tạo nên chiếc "mâm cát" khổng lồ rất đẹp, nên gọi là An Hải sa bàn (mâm cát An Hải). Tương truyền, thi nhân Đạm Am Nguyễn Cư Trinh (1717 – 1767) khi qua đây đã tức cảnh sinh tình viết nên bài thơ Vịnh An Hải sa bàn, phóng khoáng và dí dỏm:

“Bàn Cổ xưa kia kế đã thâm
Khéo bày lọc cát đúc thành mâm
Khạc ra cá nhảy đầy Đông Hải
Dọn những mùi ngon rặt nghĩa sâm
Chợ cách hóa nên non nước thế
Đũa giơ rồi rủ gió trăng ngâm
Mời ông điếu tẩu Sa Kỳ tới
Rót chén yên hà để dưỡng tâm”.

Từ ngày Sa Kỳ mở rộng lòng cảng, An Hải sa bàn có bị thu hẹp, nhưng vẫn đủ nên thơ để “bắt mắt” du khách, đồng thời được điểm xuyết thêm nhiều màu sắc mới của đời sống kinh tế xã hội sinh động. Dù chưa một lần quen biết, Phạm Văn Tân, quê Thái Bình, Trưởng trạm hải đăng Ba Làng An đã niềm nở đón tiếp chúng tôi như những người thân quen, hướng dẫn tận tình đường đi lối lại ra bãi đá. Anh bảo rất mong muốn có thêm nhiều người biết đến địa danh này, để thấy yêu thêm thiên nhiên hùng vĩ và nên thơ. Để dòng chảy lịch sử biển đảo luôn ấm nóng trong lòng mỗi con dân đất Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ba Làng An và khát vọng bình yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO