Ngày 22/12/2023, tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến Du lịch vùng Đông Nam bộ.
>>>Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 với chủ đề “LET’S GO!!! Ba Ria-Vung Tau”
Tham dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đại diện các Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Du lịch vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành có liên kết hợp tác với vùng Đông Nam bộ; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch/Trung tâm Xúc tiến du lịch; Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; một số Doanh nghiệp du lịch tiêu biểu của các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ…
Chương trình sơ kết năm 2023 sẽ diễn ra tại tỉnh BR-VT vào 2 ngày 21 - 22/12/2023, với nhiều hoạt động như: Tổ chức các Đoàn Famstrip khảo sát điểm đến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hội nghị sơ kết hoạt động của Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành phố tham gia Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; hội nghị Xúc tiến Du lịch vùng Đông Nam Bộ và trưng bày, giới thiệu tiềm năng du lịch vùng...
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ do TP.Hồ Chí Minh khởi xướng, ký kết ngày 28/6/2020 tại tỉnh Tây Ninh giữa 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh. Hàng năm, hội nghị sơ kết sẽ đánh giá hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung kịp thời nội dung hợp tác hướng đến hiệu lực, hiệu quả và thắt chặt hơn nữa kết nối giữa các địa phương trong vùng về du lịch. Đồng thời là dịp để các tỉnh, thành phố trao đổi, học tập kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình điển hình trong thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch của vùng, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, phát huy tất cả các tiềm năng và thế mạnh du lịch của từng địa phương trong vùng.
Đến năm 2023, UBND tỉnh BR-VT được Ban Điều phối triển khai thực hiện Thoả thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giao tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện Thỏa thuận năm 2023, triển khai Kế hoạch thực hiện hiện Thoả thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2024 trong vùng.
Trong năm 2023, vùng Đông Nam bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu đạt 180.566 tỉ đồng, tăng 22,13%. Lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, tuy nhiên doanh thu của khu vực Đông Nam bộ chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, vùng Đông Nam bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch, tuy nhiên doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh trong thời gian tới, vùng Đông Nam bộ cần tăng cường liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Đồng thời phải giữ vai trò động lực, điều phối đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước.
Năm 2023, cùng với sự đồng lòng của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, du lịch có nhiều khởi sắc. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao đã hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng Đông Nam bộ. Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch vùng cơ bản mang lại những hiệu quả thiết thực.
Nhìn vào con số tăng trưởng về du lịch vùng Đông Nam bộ, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong vùng đều khẳng định thế mạnh và tiềm năng phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ là rất lớn.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, doanh thu du lịch của vùng Đông Nam bộ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Đây là một bài toán mà vùng Đông Nam bộ cần tập trung giải quyết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu từ du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách trong thời gian đến với vùng.
Để thực hiện hiệu quả Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025, các đại biểu cho rằng, cần tập trung khảo sát, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch; chương trình du lịch trở thành bản đồ du lịch chung cho vùng Đông Nam bộ. Các địa phương tập trung phát triển và liên kết sản phẩm du lịch nổi bật để doanh nghiệp du lịch hình thành tour, tuyến du lịch liên kết. Tổ chức các đoàn famtrip khảo sát các điểm đến du lịch; quan tâm đầu tư nâng cấp thêm các cơ sở dịch vụ về du lịch như nhà hàng, khách sạn, trạm dừng nghỉ, khu mua sắm phục vụ khách đoàn.
Một số kết quả nổi bật trong liên kết vùng phát triển du lịch
Phát triển du lịch gắn với liên kết vùng là chìa khóa để các địa phương triển khai đa dạng những hoạt động và sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đồng thời tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế, từ đó đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, việc liên kết này giúp các địa phương trong vùng đặc biệt là Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin về các sản phẩm du lịch; thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách nội địa, khách quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương.
Liên kết các điểm đến ở nhiều tỉnh với nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, quảng bá thương hiệu du lịch cho nhau trên các kênh truyền thông.
Một số tour tuyến điển hình đang được khai thác hiệu quả gồm: tour TP Hồ Chí Minh-Hồ Tràm-Bình Châu; “Hương sắc Tây Ninh” với hành trình TP Hồ Chí Minh-Tây Ninh-núi Bà Đen; tour “Thiên nhiên xanh mát-Sắc biển hòa ca” kết nối TP Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu…
Mỗi địa phương cần có những sản phẩm du lịch đặc sắc bổ sung cho nhau nhằm tạo ra những chuỗi giá trị trong liên kết du lịch, đáp ứng tối đa hóa nhu cầu của du khách. Mỗi địa phương có những thế mạnh và sản phẩm du lịch riêng có thể cùng khai thác với lợi thế cộng hưởng, điều này sẽ tốt cho các bên và cho toàn vùng. Cụ thể như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa-lịch sử và các tour kết nối trong vùng. Bước đầu các tỉnh đã có sự hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở những lợi thế so sánh để cùng thúc đẩy du lịch phát triển.
Ngoài ra, các địa phương cần thống nhất các cơ chế chính sách trong khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư du lịch, du lịch lữ hành theo chuỗi liên tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hình thành một tổ chức liên kết chặt chẽ. Qua đó, việc liên kết, điều phối và hỗ trợ trong di lịch của vùng sẽ được thực hiện nhanh chóng, bài bản và đảm bảo tính hiệu quả.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh vai trò gắn kết với các địa phương, tỉnh BRVT tập trung liên kết hiệu quả hơn các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ và mở rộng ra các vùng nhằm khai thác hiệu quả hơn các sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng các loại hình du lịch, tăng tính cạnh tranh của vùng từ đó các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có điều kiện mở rộng thị trường. Thúc đẩy hoạt động liên kết hiệu quả hơn nhằm đạt được hai mục tiêu lớn là quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch.
BRVT còn chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các địa danh có tiềm năng về du lịch; liên kết với các tỉnh lân cận để xây dựng hệ thống giao thông, tạo điều kiện cho việc du lịch phát triển và mời gọi các nhà đầu tư bất động sản du lịch đầu tư phát triển cơ sở du lịch tại địa phương.
Phát biểu tại chương trình xúc tiến, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết: Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành trung tâm du lịch lớn vùng Đông Nam Bộ, cũng như của cả nước và quốc tế. Vì vậy, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh BR-VT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Những năm qua, du lịch BR-VT có bước phát triển khá tốt. Hằng năm, ngành Du lịch tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch đến BR-VT tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm; sản phẩm du lịch không ngừng phát triển, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khách quốc tế và khách có chi tiêu cao đến với BR-VT.
“Qua hội nghị xúc tiến du lịch, tỉnh BR-VT sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh BR-VT nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung” - Giám đốc Sở Du lịch BR-VT Trịnh Hàng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch
03:00, 22/12/2023
Cân bằng giữa hàng không và du lịch
00:30, 22/12/2023
Emerald Hồ Tràm Resort đón đầu xu hướng du lịch năm 2024
08:00, 21/12/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu: Thành lập sàn giao dịch để phát triển thương hiệu du lịch
04:38, 17/12/2023
Bà Rịa – Vũng Tàu: Chuyển đổi số trong du lịch để phát triển bền vững
00:10, 14/12/2023