Thời gian qua, Sở LĐ -TBXH tỉnh BR-VT đã tập trung triển khai đổi mới công tác đào tạo lao động để phù hợp với thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh.
Thời gian qua, Sở LĐ -TBXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung triển khai đổi mới công tác đào tạo lao động một cách bài bản, chuyên nghiệp và linh hoạt hơn để phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, nhất là những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh.
Để phát triển thị trường lao động tỉnh BR-VT một cách toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả. UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Quyết định số 1617/QĐ-UBND ngày 17/6/2021 về kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021-2025 - nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH: Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 575.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, các KCN... Trong đó, lao động làm ở lĩnh vực công nghiệp chiếm hơn 37%, nông nghiệp 20,5%, dịch vụ hơn 42,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 80,8%, lao động được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ 33,8%, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Năng suất lao động trên địa bàn tỉnh cũng thuộc nhóm cao trên cả nước.
Một lợi thế nữa, BR-VT nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, có một số ngành nghề kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi lao động chất lượng cao như: hóa dầu, logistics, điện, hóa chất, cảng biển nên cũng thu hút được nhiều lao động chất lượng cao về làm việc tại tỉnh. Trước tình hình thế giới nhiều biến động… lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đang bị biến động.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi tình hình kinh tế thế giới ổn định, các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối mặt với tình hình thiếu hụt lao động. Ngành LĐ – TBXH tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, theo hướng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; cập nhật kiến thức, kỹ năng mới theo sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ hiện đại; cập nhật tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đã được ban hành; nâng cao thời gian học Tiếng Anh và Tin học; thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự… đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình để đào tạo cho HSSV.
Đặt hàng các cơ sở GDNN đào tạo cho 4.136 HSSV với 14 nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành nghề kinh tế trọng điểm của tỉnh; Hợp tác với các nước Châu á như: Hàn Quốc, Nhật Bản… và các tổ chức phi Chính phủ; song song với việc thông qua các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại tỉnh để đẩy mạnh liên kết đào tạo, giao lưu học tập với các trường nước ngoài và tổ chức quốc tế trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên và xây dựng các chương trình giảng dạy cho lao động có tay nghề cao; xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn nghề quốc gia đảm bảo tương thích với tiêu chuẩn nghề khu vực ASEAN, APEC; đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động.
Tỉnh BR-VT đang tập trung đẩy mạnh tăng cường kết nối cung-cầu lao động trên cơ sở sát thực cả về số lượng cần tuyển dụng cũng như nguồn lao động hiện có. Đồng thời, triển khai các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết hợp với trực tiếp; mở rộng các phiên giao dịch việc làm liên kết với các tỉnh khác… nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.
Kế hoạch đặt ra đến cuối năm 2023 một số chỉ tiêu như tạo việc làm mới cho 10.500 lao động; 40% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ lao động thất nghiệp 2,7%. Cùng với đó, địa phương cũng đưa ra các giải pháp thực hiện mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển kết nối cung - cầu lao động; hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển mạng lưới an sinh…
Năm 2022, chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh xếp thứ 13/63 tỉnh thành. Trong thời gian tới, Sở Lao động -TBXH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nguồn lao động góp phần vào mục tiêu tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tiếp theo.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh BR-VT cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20.986 doanh nghiệp trong nước đăng ký, trong đó có 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng 252.000 lao động. Dự kiến, đến năm 2030 tỉnh BR-VT sẽ có 21 KCN và 15 CCN. Tỉnh kỳ vọng đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%, đến năm 2030 con số này là 43%.
Để đáp ứng nhu cầu này, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp để phát triển, thu hút lao động như: xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh đến làm việc, chính sách giữ chân người lao động; thúc đẩy chuyển dịch nguồn lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và phối hợp đào tạo nguồn lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp...
Có thể nói, để trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị thì việc đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần duy trì tốc độ phát triển KT-XH cao, bền vững.
Có thể bạn quan tâm