Bắc Giang có diện tích và sản lượng vải thiều lớn nhất toàn quốc, ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp, vụ vải năm nay có nhiều tín hiệu lạc quan.
Tín hiệu mừng từ xuất khẩu
Những ngày cuối tháng 5, các cơ quan chức năng đã đồng ý cho hơn 300 thương nhân Trung Quốc được về Bắc Giang thu mua vải thiều bằng hộ chiếu du lịch.
Hiện nay, theo đại diện tỉnh Bắc Giang, tỉnh này đã hoàn thành các khâu chuẩn bị để đón các thương nhân về thu mua vải thiều. Cụ thể, đã chuẩn bị các nhà nghỉ trên địa bàn đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng dịch, thực hiện các biện pháp vệ sinh, phun khử khuẩn, thắt chặt các biện pháp an ninh xung quanh khu vực có người nước ngoài nhằm bảo đảm tối đa trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: các thương nhân Trung Quốc muốn sang thu mua vải thiều tại Bắc Giang thì ngoài việc được sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam thì phải có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 của nước sở tại. Khi sang Việt Nam bắt buộc phải cách ly 14 ngày theo quy định. Đồng thời khi tiếp xúc với người Việt Nam phải tuân thủ nghiêm túc quy định về phòng dịch, đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, huyện sẽ tổ chức các xe đưa đón thương nhân từ ngay tại cửa khẩu và đưa vào các khu cách ly bảo đảm an toàn.
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của vải thiều Bắc Giang khi thường xuyên chiếm tới hơn 50% sản lượng vải thiều toàn tỉnh, năm nay thị trường đã được mở rộng đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong vụ tiêu thụ vải thiều năm nay.
Chia sẻ niềm vui với bà con trồng vải và doanh nghiệp, sáng 30/5, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm: Đến nay, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký mã vườn trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, gồm: Công ty A.meii, Công ty Chánh Thu và Công ty Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu). Trong đó, Công ty Toàn Cầu lắp đặt dây chuyền khử trùng, xông hơi vải thiều với công suất 20 tấn/ngày, bảo quản lạnh giữ được 60 ngày. Công ty này cũng tiêu thụ 30 tấn vải ép nước đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào thị trường Singapore, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: đây là thị trường tiềm năng do nước này vẫn đang phải nhập khẩu lớn vải thiều từ Thái Loan, Đài Loan nhưng chất lượng vải thiều không ngon như vải thiều Bắc Giang. Hiện nay, vải thiều Bắc Giang được nhập khẩu vào thị trường này chủ yếu thông qua các nhà buôn Trung Quốc, do đó việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tiếp vào thị trường này rất quan trọng.
Không bỏ quên thị trường trong nước
Trong giai đoạn hiện nay, việc kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ làm giảm áp lực lớn lên xuất khẩu đang bị đình trệ do dịch. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao thì đây là một thị trường lớn để tiêu thụ vải thiều.
Ông Trần Quang Tấn cho biết, hiện nay, Sở Công Thương Bắc Giang cũng đang tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường miền Trung, Nam, kết nối với các tỉnh để đưa vải thiều vào các chợ đầu mối, hệ thống bán lẻ, siêu thị…
Theo đánh giá của Sở Công Thương Bắc Giang, hàng năm có khoảng 26 - 30 tỉnh, thành phố xúc tiến thương mại cùng Bắc Giang nên vải thiều đã có mặt và khẳng định vị trí của mình tại thị trường các tỉnh phía Nam.
Sở Công Thương cũng đã phối hợp một số cơ quan thuộc Bộ Công Thương liên hệ với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong tỉnh, trong nước và nước ngoài như: Aoen, Central Group, Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Vinmart, Happro… để tiến tới ký kết hợp đồng tiêu thụ vải thiều tại các hệ thống này từ đó nâng cao thương hiệu, bảo đảm sự ổn định trong tiêu thụ vải thiều các năm sau đó.