Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường quản lý các hoạt động công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch về bất động sản.
>>Lời giải cơn sốt đất nền trung tâm TP Bắc Giang
Tại văn bản mới ban hành, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang giao Sở Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; chấn chỉnh chủ đầu tư tại nhiều khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã bán "lúa non" dưới dạng góp vốn.
Các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn phải báo cáo định kỳ các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp.
Tỉnh này cũng giao Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo kế hoạch; đồng thời, rà soát các trường hợp kê khai thuế của người nộp thuế kinh doanh bất động sản có rủi ro cao về thuế để bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Giao Công an tỉnh phối hợp với Cục Thuế tỉnh điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Có thể bạn quan tâm |
Đối với Sở Tư pháp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường.
Đặc biệt cơ quan này cần phối hợp với các sở ngành phát hiện, xử lý hành vi công chứng "khống", công chứng "treo" các hợp đồng, giao dịch bất động sản. Đồng thời tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động công chứng, chứng thực, nghiêm cấm công chứng "treo" hợp đồng giao dịch, nhất là các hợp đồng giao dịch về bất động sản.
Trên thực tế, "công chứng treo" là cụm từ để chỉ hành vi lợi dụng hợp đồng mua bán, với bên bán đã ký tên đánh dấu vân tay đầy đủ, nhưng bỏ trống phần bên mua. Sau khi chủ đất ký xong , phía văn phòng chông chứng sẽ giữ hợp đồng và làm biên lai thu tiền có hai bên ký xác nhận.
Hợp đồng "treo" trên sẽ được dùng để các đối tượng đầu cơ mua đi bán lại mảnh đất nhiều lần, chỉ sang tên cho bên cuối cùng nhằm lách thuế chuyển nhượng nhà đất.
Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Tuấn Đạo Thanh cho biết, thực tế cho thấy hiện cả nước có 3.011 công chứng viên (gồm 383 công chứng viên của Phòng Công chứng và 2.628 công chứng viên của Văn phòng công chứng); 1.295 tổ chức hành nghề công chứng.
Trong đó có 120 phòng công chứng và 1.175 văn phòng công chứng. Tại 63/63 địa phương đều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa.
Song các Văn phòng công chứng dù hoạt động theo loại hình công ty hợp danh nhưng không ít văn phòng chỉ có 1 công chứng viên hành nghề thực tế, công chứng viên hợp danh còn lại thực chất là “đi thuê”.
Đáng lưu ý hơn, hoạt động hành nghề công chứng còn có những sai sót, vi phạm, trong đó tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề nóng ở các địa phương.
Với tình trạng tại Bắc Giang, ngày 28/9/2021 Bộ Tư pháp đã có văn bản số 3354 về việc xử lý phản ánh về vi phạm trong hoạt động công chứng. Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang đã ban hành văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang, Hội Công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên hành nghề trên địa bàn tỉnh phối hợp chỉ đạo, thực hiện xử lý phản ánh về hoạt động công chứng.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung chế tài mạnh hơn như tạm đình chỉ có thời hạn với tổ chức hành nghề công chứng, khi công chứng viên sai phạm phải xem xét cả trách nhiệm của trưởng văn phòng, không thể chỉ xử lý mỗi công chứng viên.
Có thể bạn quan tâm