Sau thời gian trầm lắng vì dịch, thị trường đất đấu giá Bắc Giang đang tiếp tục chứng kiến dấu hiệu nóng trở lại, các phiên đấu giá luôn ghi nhận lượng hồ sơ lớn và mức trúng đấu giá cao khó tin.
>>> Đầu tư bất động sản kiểu "được ăn cả, ngã... bỏ cọc": Hành động làm hại nền kinh tế
>>> Bắc Giang: Cảnh báo loạt dự án nhà ở, khu đô thị chưa được phép mua bán
Thống kê sơ bộ qua cổng thông tin Sở TN&MT Bắc Giang cho thấy, thời gian qua, Bắc Giang đã tổ chức 10 phiên đấu giá ở nhiều huyện với lượng hồ sơ đăng ký kỷ lục.
Điển hình là phiên đấu giá 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng (huyện Lạng Giang) diễn ra ngày 29/11 đã thu hút 495 khách hàng với 1.788 hồ sơ. Kết quả, tất cả 98 lô đều có khách hàng trả giá với giá trúng hơn 338 tỷ đồng, tăng so với khởi điểm hơn 201 tỷ đồng. Trong đó có 2 lô có giá trúng cao, đều là lô góc, diện tích gần 180 m2/lô, trúng với giá chênh lệch so khởi điểm 3,35 - 3,4 tỷ đồng.
Một ngày sau đó, Bắc Giang tiếp tục mở phiên đấu giá với 179 lô đất ở thuộc khu dân cư phố Cốc và khu dân cư phố Cốc 2, xã Dĩnh Trì và điểm dân cư đường Hoàng Hoa Thám, xã Song Mai. Tại phiên đấu giá có 165/179 lô có khách hàng trả giá với giá trúng gần 317 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm của các lô đất này hơn 74,3 tỷ đồng. Lô có giá trúng cao nhất gần 4,7 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 892 triệu đồng.
Trước đó, trong quý 3/2021, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, thị trường bất động sản khu vực này vẫn có những diễn biến tích cực. Mức độ quan tâm của các nhà đầu tư tới 2 thị trường Bắc Giang, Bắc Ninh tăng lần lượt 26% và 7% so với quý trước.
Đến tháng 9, phiên đấu giá 79 lô đất ở thuộc xã Tân Tiến và phường Đa Mai, TP Bắc Giang đã ghi nhận 404 khách hàng với 1.506 bộ hồ sơ tham gia đấu giá. Kết quả, 100% lô đất trúng đấu giá với tổng số tiền 266 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm gần 110 tỷ đồng. Lô trúng đấu giá cao nhất có diện tích hơn 299 m2 với giá trúng hơn 16,6 tỷ đồng, chênh so với giá khơi điểm hơn 7,8 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm |
Tuy nhiên, mặt trái của các phiên đấu giá cũng tiếp tục xuất hiện các nhà đầu tư “bỏ cọc”. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng, trong hơn 400 lô đất được đấu giá trong năm nay của huyện này có tới 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 16%. Hay tại huyện Lạng Giang và TP Bắc Giang, có 29 lô đất bị nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”.
Trên thực tế, đây không phải là hiện tượng vừa mới xuất hiện tại Bắc Giang. Ghi nhận của huyện Lạng Giang, ngay thời điểm “sốt đất” diễn ra hồi đầu năm, toàn huyện này cũng ghi nhận tới 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất.
Trước đó, thông tin từ Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bắc Giang (Bắc Giang), trong tháng 10, 11/2020 toàn thành phố Bắc Giang tổ chức 3 phiên đấu giá đất. Cả 3 phiên này đều có khách hàng bỏ cọc.
Ghi nhận tình trạng trên, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết, thị trường bất động sản Bắc Giang thời gian qua đã xuất hiện một số nhóm môi giới lập nhiều trang web đưa lên các hội nhóm mạng xã hội mời gọi người dân đặt cọc giữ chỗ phần đất định mua.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang thẳng thắn nhìn nhận, thị trường bất động sản tại địa phương này phát triển chưa lành mạnh và chính quyền địa phương lo ngại về việc đầu cơ, thổi giá khiến thị trường lại “sốt ảo” như hồi đầu năm.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, có một nhóm môi giới, cò đất chuyên vin vào cái cớ mơ hồ như về quy hoạch để thổi giá, tạo sự xôn xao, lan truyền thông tin về sốt đất để lôi kéo những người muốn đầu tư tìm về.
"Nhóm ấy không đơn lẻ mà tạo thành một mạng lưới, có thể điều chỉnh thời gian đến khi vỡ bong bóng. Họ kích giá lên rồi nhảy ra, khiến thị trường sụt xuống sau đó. Kiểu này xuất hiện ở nhiều nơi với những dạng thức khác nhau, len lỏi vào các xóm làng" - theo ông Võ.
Ở góc độ nhà đầu tư, theo ông Phạm Đức Toản – Tổng Giám đốc EZ Property, đây là hiện tượng “ôm đất thổi giá”, chấp nhận đầu tư kiểu “được ăn cả ngã về không” của nhiều nhà đầu tư hiện nay. Bởi lẽ, với đất đấu giá, nhà đầu tư chỉ cần cọc 100 – 200 triệu đồng, sau đó sang tay cho người khác. Nếu không tìm được cách thoát hàng, họ chấp nhận thà bỏ cọc còn hơn “lún sâu” vì đã lỡ trả giá quá cao.
Theo ông Toản, nhà đầu tư có nhu cầu ở thực cần tỉnh táo với các cơn sốt đất đấu giá, tránh để rơi vào trường hợp mua phải quá cao so với thị trường.
Cùng ý kiến, GS Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo nhà đầu tư cần cảnh giác, tránh xa với cảnh thị trường náo loạn, lộn xộn, sốt ảo, giá tăng dựng đứng bởi rủi ro rất cao, chẳng khác gì đánh bạc, khả năng thua nhiều hơn thắng.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: Cảnh báo loạt dự án nhà ở, khu đô thị chưa được phép mua bán
17:00, 02/08/2021
Liên tục bỏ cọc, sốt giá đất đang “hạ nhiệt”?
11:53, 02/05/2021
Đấu giá đất “trên trời” rồi bỏ cọc
05:00, 02/11/2021
Đua nhau bỏ cọc đất đấu giá: Cần chế tài mạnh
11:05, 30/09/2021
Đầu tư bất động sản kiểu "được ăn cả, ngã... bỏ cọc": Hành động làm hại nền kinh tế
05:30, 04/05/2021