Bắc Kạn: Củng cố niềm tin của nhà đầu tư

NGUYỄN HÀ 12/06/2024 22:52

6 tháng đầu năm 2024, Bắc Kạn có 42 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 786,1 tỷ đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp.

>>>Agribank Bắc Kạn: Ngân hàng vì cộng đồng

Chính quyền cầu thị, kịp thời nắm bắt khó khăn

Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định và phát triển kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, Bắc Kạn chútrọng, triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm phục hồi, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 28/4/2023 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hút, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh và Văn bản số 1335-CV/TU ngày 16/01/2023 của Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác quản lý đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, tài chính.

Hội nghị công bố kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI) năm 2023 và gặp mặt, đối thoại với Doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư năm 2024.

Hội nghị công bố kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI) năm 2023 và gặp mặt, đối thoại với Doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư năm 2024.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện kiện toàn Tổ công tác đặc biệt giải quyết tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; định kỳ tổ công tác 01 tháng họp/ 01 lần để kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ giải quyết cụ thể của các cơ quan chức năng của từng dự án. Tổ công tác thường xuyên tổ chức đi hiện trường, thăm nắm tình hình thực tế, để kịp thời giải quyết tồn tại, vướng mắc, sớm đưa các dự án đầu tư ngoài ngân sách đi vào hoạt động.

Về hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, ngày 20/5/2024 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 852/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Ban chỉ đạo được Chủ tịch UBND tỉnh điều hành trực tiếp; giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tư vấn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư và hỗ trợ các thủ tục hành chính sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư để dự án sớm triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, Ban chỉ đạo sẽ chủ động nắm bắt thông tin, ý tưởng, nhu cầu đầu tư vào địa bàn tỉnh, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án; kịp thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc hỗ trợ, giải quyết; đề xuất kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết đảm bảo tiến độ, hiệu quả và giảm thiểu các thủ tục hành chính.

>>>Bắc Kạn: Môi trường đầu tư ngày một tốt hơn

>>>Bắc Kạn: Tạo sức hút đầu tư từ hệ thống hạ tầng đồng bộ

Trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, áp lực lạm phát cao, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh như thu hút đầu tư; hướng dẫn giảm lãi suất, hỗ trợ giảm thuế...Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực. 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh có 42 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 786,1 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1200 doanh nghiệp; có 15 hợp tác xã thành lập mới. Trên địa bàn tỉnh hiện có 428 hợp tác xã với tổng vốn điều lệ là 654,8 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh- TUẤN SƠN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại hội nghị (Ảnh:TUẤN SƠN)

Được biết, tỉnh Bắc Kạn cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để xử lý đối với từng kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp, nhà đầu tư như: quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; tình hình thực hiện các dự án đầu tư thủy điện trên địa bàn tỉnh...; Trong quá trình thực hiện thu hút, hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Chiều ngày 12/06, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị công bố kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI) năm 2023 và gặp mặt, đối thoại với Doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư năm 2024. Hội nghị kịp thời lắng nghe, giải quyết những kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đánh giá, trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư đã nỗ lực vượt khó, chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển, thu hút nhân lực chất lượng cao; xây dựng mạng lưới hợp tác và đối tác, tạo ra các liên kết quan trọng để mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, ngân sách nhà nước và an sinh xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thẳng thắn thừa nhận công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; công tác thu hút đầu tư; giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp còn một số hạn chế như: Tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, đóng góp vào ngân sách nhà nước còn chưa được như mong muốn, nhiều doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn; Một số dự án lớn đã được chấp thuận đầu tư nhưng tiến độ thực hiện chậm, hoạt động không hiệu quả, dừng sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh; Công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, việc kêu gọi tài trợ kinh phí lập quy hoạch còn chậm; chưa tạo được nhiều mặt bằng, quỹ đất sạch để thu hút dự án đầu tư, nhất là các dự án phát triển du lịch, thương mại, đô thị và công nghiệp…

Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn khẳng định, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, doanh nhân nhất là những vướng mắc mới phát sinh trong năm qua để cùng tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, hướng đến các mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

“Tôi cũng rất mong, các doanh nghiệp, doanh nhân bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp mới mang tính tạo đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển của quê hương Bắc Kạn. Lãnh đạo tỉnh luôn trân trọng mọi ý kiến đóng góp, sẵn sàng lắng nghe và cam kết chuyển thể mọi ý kiến khả thi thành hành động để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển hơn nữa”, Chủ tịch Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc liên qua đến dự án, hoạt động đầu tư, kinh doanh như: nguồn nhân lực, giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng…

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh cùng trao đổi, giải đáp, làm rõ. Đối với những vấn đề cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ các ý kiến, tham mưu UBND tỉnh xây dựng các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

DDCI - Thước đo cải cách

Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, việc thông tin công khai kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố (DDCI) năm 2023 và đề ra các giải pháp tích cực hướng đến mục tiêu tổng thể của việc triển khai DDCI sẽ thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành của các sở, ngành, các huyện, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các ngành, các cấp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch tại địa phương, qua đó từng bước cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội nghị chiều 12/06

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Hội nghị chiều 12/06

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn cho biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh Bắc Kạn thực hiện khảo sát Chỉ số DDCI. DDCI là một công cụ quan trọng nhằm đánh giá và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, giúp xác định những yếu tố còn hạn chế và từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát lần này đã cung cấp một bức tranh tổng quan về thực trạng kinh doanh tại Bắc Kạn, phản ánh những khó khăn, thách thức cũng như các điểm mạnh cần phát huy.

Đại diện trung tâm chuyển đổi số Kim Nam Bắc Kạn - Đơn vị được Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn giao nhiệm vụ nâng cấp nền tảng và tổ chức thực hiện khảo sát trực tuyến cho biết, toàn bộ quá trình thực hiện đánh giá chỉ số DDCI tỉnh Bắc Kạn năm 2023 được thực hiện trên một nền tảng số duy nhất, từ quá trình chọn mẫu, tiến hành khảo sát, xử lý số liệu, tính toán và hiển thị kết quả. Báo cáo chỉ số DDCI Bắc Kạn năm 2023 là tập hợp tiếng nói, thể hiện mức độ hài lòng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về các khía cạnh khác nhau trong năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương, sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh.

Được biết, Bộ chỉ số DDCI Bắc Kạn năm 2023 gồm 10 chỉ số thành phần áp dụng cho khối UBND huyện, thành phố và 09 chỉ số thành phần áp dụng cho khối Sở, ban, ngành, phản ánh đầy đủ và khách quan các khía cạnh tác động đến sự vận hành cà phát triển của Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh địa phương.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Kạn, qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng có những doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm, tăng cường công tác quản lý và điều hành. Những doanh nghiệp này xứng đáng nhận được sự khen thưởng và tôn vinh vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, khảo sát cũng chỉ ra một số vấn đề cần được quan tâm và cải thiện. Một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, quy trình hành chính còn phức tạp, và chưa có sự đồng bộ trong các chính sách phát triển kinh tế. Những vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các sở, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn đưa ra một số kiến nghị cụ thể để Bắc Kạn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gia tới.

Thứ nhất, tăng cường đối thoại, hợp tác công tư. Các sở, ban, ngành cần tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại định kỳ với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản mà còn tạo dựng niềm tin giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Thứ hai, Đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Các thủ tục cần được tinh giản, minh bạch và nhanh chóng hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền. Phối hợp với các phương tiện truyền thông để tuyên truyền rộng rãi về các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức khác.

Thứ tư, đẩy mạnh khảo sát và đánh giá. Khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia khảo sát hàng năm để có được bức tranh chính xác hơn về thực trạng kinh doanh, từ đó đề xuất những giải pháp cải thiện hiệu quả. Chúng ta cần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, nơi mà tiếng nói của mọi doanh nghiệp đều được lắng nghe và tôn trọng.

Thứ năm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường và phát triển bền vững. Các chương trình đào tạo, tư vấn và hỗ trợ tài chính cần được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Thứ sáu, phát triển hạ tầng cơ sở. Đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ sở, bao gồm giao thông, viễn thông và các tiện ích công cộng khác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Một hệ thống hạ tầng tốt sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Thứ bảy, xây dựng môi trường kinh doanh bền vững. Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao uy tín và thương hiệu.

Bên cạnh đó, đối với UBND tỉnh cần công khai 100% thông tin, tài liệu trên cổng thông tin điện tử của tỉnh về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất... để Doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu tạo thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính. Lãnh đạo tỉnh phải thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp, duy trì các kênh đối thoại với Doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư, kịp thời cụ thể hóa các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước cho Doanh nghiệp bảo đảm với yêu cầu thực tiễn.

Đối với các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tích cực đưa ra những giải pháp thiết thực để giúp đỡ Doanh nghiệp. Các cán bộ công chức, viên chức cần phải tận tâm, trách nhiệm với tinh thần đồng hành cùng Doanh nghiệp với khẩu hiệu "Hỗ trợ - Lắng nghe - Thân thiện - Nhiệt tình".

Theo kết quả Chỉ số DDCI Bắc Kạn năm 2023, đối với khối các huyện, thành phố có sự thay đổi đáng kể so với năm 2022. Huyện Chợ Đồn tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng với số điểm tối đa là 95,07 điểm.Huyện Chợ Mới và Na Rì vươn lên vị trí thứ 2 và thứ 3, tăng nhiều điểm so với năm 2022.

Đối với khối Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, điểm trung vị năm nay là 81,76 điểm, tăng nhẹ so với điểm trung vị năm 2022 là 80,39 điểm. Điều này cho thấy các hoạt động điều hành và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của khối Sở, ban, ngành nói chung đang có những chuyển biến tích cực. Top 03 đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng năm 2023 lần lượt là Sở Kế hoạch và Đầu tư (93 điểm); Sở Tư pháp (87,43 điểm); Sở Khoa học và Công nghệ (85,93 điểm). Sở Công thương là đơn vị có thứ hạng tăng mạnh trong năm 2023, tăng 5 bậc, xếp vị trí thứ 4/19 đơn vị trong bảng xếp hạng.

Đối với khối các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Cục thuế tỉnh dẫn đầu với 88,15 điểm. Xếp cuối bảng là Chi cục Quản lý thị trường với 75,87 điểm.

Có thể bạn quan tâm

  • DDCI Thanh Hóa 2023: Thể hiện rõ chất lượng thực thi

    DDCI Thanh Hóa 2023: Thể hiện rõ chất lượng thực thi

    15:47, 20/05/2024

  • DDCI Thanh Hóa 2023: Xác định doanh nghiệp là trung tâm, động lực cải cách

    DDCI Thanh Hóa 2023: Xác định doanh nghiệp là trung tâm, động lực cải cách

    14:46, 20/05/2024

  • Hải Dương: Xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI

    Hải Dương: Xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh DDCI

    13:48, 06/04/2024

  • Nhựa Tiền Phong: Khởi công cầu Nà Thoi, Bắc Kạn - Cầu nối yêu thương số 116

    Nhựa Tiền Phong: Khởi công cầu Nà Thoi, Bắc Kạn - Cầu nối yêu thương số 116

    09:29, 06/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Kạn: Củng cố niềm tin của nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO