Bắc Kạn: “Đánh thức” tiềm năng kinh tế

NGUYỄN HÀ thực hiện 14/05/2021 13:21

Thời gian tới, Bắc Kạn xác định cơ cấu lại các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch nhằm nâng cao chất lượng phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Long Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khi trao đổi với DĐDN. 

- Ông có thể chia sẻ về những khó khăn của tỉnh Bắc Kạn hiện nay đang gặp phải và tỉnh đã có những giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?

Bắc Kạn còn rất nhiều khó khăn về tất cả các mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, mạng lưới đường giao thông vẫn chưa hoàn thiện, kết nối, giao thương với các trung tâm kinh tế lớn bị hạn chế.

Nhiều năm qua, lĩnh vực kinh tế chính của Bắc Kạn là nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, quy mô sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành vùng sản xuất. Việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và cung ứng hàng hóa ra thị trường còn hạn chế. Còn lĩnh vực công nghiệp hiện chỉ dừng ở mức khai thác khoáng sản, chưa thực sự có chế biến sâu.

Để tận dụng những ưu thế sẵn có, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Chương trình hành động về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu “Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải trao bằng khen cho các cá nhân, tổ chức có thành tích cao trong thực hiện chỉ số DDCI năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Long Hải trao bằng khen cho các cá nhân, tổ chức có thành tích cao trong thực hiện chỉ số DDCI năm 2020

Hiện nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan, sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng đường quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn. Đồng thời, tỉnh đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng và có kế hoạch triển khai cụ thể nhằm tạo liên kết các vùng được thuận lợi phát huy tối đa hiệu quả dự án, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Để tăng tính liên kết phát triển kinh tế trong vùng, Bắc Kạn cũng sẽ huy động mọi nguồn lực để nâng cấp các tuyến đường kết nối giao thông nội tỉnh như đường từ thành phố Bắc Kạn đi Hồ Ba Bể, các tuyến đường kết nối với các tỉnh trong khu vực Đông Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang), như: QL279, QL3B, QL3C, QL3 mới,.. nhằm liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh nói riêng và khu vực vùng Đông Bắc nói chung.

- Tỉnh xác định nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chủ đạo của kinh tế Bắc Kạn. Vậy, ông có thể chia sẻ hướng đi cụ thể của lĩnh vực này?

Bắc Kạn hiện đang khởi đầu hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến; nhiều sản phẩm nông sản, đặc biệt là các nông sản bản địa bắt đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến, được thị trường trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Như hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng nguyên liệu và chế biến nghệ; Sản phẩm đặc sản miến dong cung ứng trên thị trường cả nước, đã xuất khẩu sang cộng hòa Séc; Sản phẩm mơ vàng chế biến xuất khẩu sang Nhật Bản.

UBND tỉnh Bắc Kạn luôn xác định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân.

Với những lợi thế sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào, cùng với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Bắc Kạn hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất tiên tiến, bền vững, thân thiện với môi trường, dần chuyển sang chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp địa phương,…

- Sở hữu những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử. Có thể nói, tiềm năng về du lịch của Bắc Kạn là vô cùng lớn, nhưng gần như chưa khai thác được, vậy tỉnh có giải pháp nào không, thưa ông?

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hầu hết những tiềm năng, thế mạnh kể trên đều nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa giao thông kém phát triển nên rất khó khăn trong việc đầu tư, khai thác. Vì vậy, giải pháp đầu tiên là tỉnh sẽ tập trung làm tốt đường giao thông đến các khu vực có tiềm năng du lịch, tạo sự kết nối liên vùng.

Thứ hai, tỉnh quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi hai khu di tích Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Hồ Ba Bể và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể làm điểm nhấn cho du lịch Bắc Kạn. Kêu gọi các nhà đầu tư lớn đến khai thác, tạo ra sản phẩm du lịch đồng bộ: nghỉ dưỡng, thưởng thức, trải nghiệm phong cảnh, ẩm thực, văn hóa, lịch sử và vui chơi giải trí, thể thao,... Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch; mở rộng các hình thức, phương thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với thị trường du lịch trong nước và ngoài nước tiếp cận.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Kạn: Bước phát triển mới của chính quyền điện tử

    Bắc Kạn: Bước phát triển mới của chính quyền điện tử

    03:44, 05/03/2021

  • Doanh nghiệp Bắc Kạn “hiến kế” cải thiện môi trường đầu tư

    Doanh nghiệp Bắc Kạn “hiến kế” cải thiện môi trường đầu tư

    02:58, 22/01/2021

  • Bắc Kạn: Nhiều cán bộ, lãnh đạo liên quan tới đường dây đánh bạc vừa bị triệt phá

    Bắc Kạn: Nhiều cán bộ, lãnh đạo liên quan tới đường dây đánh bạc vừa bị triệt phá

    16:04, 21/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bắc Kạn: “Đánh thức” tiềm năng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO