Tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, vừa chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng.
Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp, vừa chống dịch, vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng.
- Năm 2020, Chỉ số PCI xếp hạng 10/63 tỉnh thành phố, giảm 6 bậc so với năm 2019. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút này, thưa ông?
Năm 2020, mặc dù chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh giảm 6 bậc so với năm 2019, tuy nhiên Bắc Ninh vẫn trong nhóm 10 tỉnh/ thành phố có thứ hạng tốt nhất toàn quốc (xếp thứ 10/63 tỉnh thành phố); với 4 chỉ số tăng điểm quan trọng là: Gia nhập thị trường; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc giảm thứ hạng, ngoài nguyên nhân khách quan do các địa phương khác nỗ lực, quyết liệt hơn, thì cần phải nhìn thẳng thật vào các nguyên nhân chủ quan, nội tại của địa phương; đặc biệt là các nguyên nhân trực tiếp làm giảm điểm các chỉ số về Tính minh bạch; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động; Đào tạo lao động…
Để tiếp tục duy trì và nâng hạng chỉ số PCI, Bắc Ninh tiếp tục hành động quyết liệt, hiệu quả với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, nhất là ở các địa phương và các ngành chịu trách nhiệm chính với các chỉ số giảm điểm, tạo sự chuyển biến về chất trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận thông tin phản ánh từ doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thẩm quyền; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
- Thưa ông, với đặc thù một tỉnh công nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 có nhiều diễn biến phức tạp, Bắc Ninh đã làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh?
Đến giữa tháng 5/2021, Bắc Ninh có 1.455 dự án của nhà đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 210.505,18 tỷ đồng; 1.663 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 20.045,006 triệu USD.
Bắc Ninh là tỉnh có nhiều KCN tập trung nhất miền Bắc với gần 1.200 doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với quyết tâm bảo vệ các KCN, ổn định sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng, Bắc Ninh đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh. Ngay khi có ca mắc đầu tiên tỉnh khẩn cấp triển khai các biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách, cách ly xã hội ở từng địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Tỉnh đã yêu cầu 100% các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng, chống dịch; thành lập hơn 7.600 tổ an toàn COVID trong doanh nghiệp…
Với những nhà máy lớn cần nguồn lực lao động để duy trì các chuỗi cung ứng như Samsung, năm 2020, Bắc Ninh đã đề xuất với Thủ tướng cho phép nhập cảnh 900 chuyên gia của Samsung (quý II-2020) về cách ly tập trung nhưng vẫn đi làm theo phương án do các cơ quan chức năng của tỉnh phê duyệt. Và mới đây tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ Samsung đưa công nhân từ Bắc Giang về các nhà máy của Tổ hợp Samsung làm việc, bảo đảm tuyệt đối an toàn, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất...
- Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, Bắc Ninh còn là tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu trong cả nước về đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?
Khi dịch bệnh xảy ra, Bắc Ninh đã dừng hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tiếp tại Trung tâm hành chính công tỉnh và triển khai tiếp nhận đăng ký kinh doanh qua mạng thông tin điện tử thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ Website:
https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng triển khai việc tư vấn hỗ trợ trực tuyến qua các kênh: Điện thoại trực tiếp, zalo, email; cử cán bộ hỗ trợ tư vấn trực tiếp theo địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Việc trả kết quả được thực hiện 100% qua dịch vụ bưu chính công ích.
6 tháng đầu năm 2021, Bắc Ninh có 1.120 doanh nghiệp và 368 đơn vị trực thuộc được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 13.008,7 tỷ đồng, tăng 1% về số lượt đăng ký thành lập mới và tăng 45% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 97,31%, đứng thứ 5 cả nước; tháng 6/2021, đạt 98,95%, đứng thứ 2 cả nước.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 19.105 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký 315.482,55 tỷ đồng và 4.158 đơn vị trực thuộc. Trong đó có, 18.631 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn điều lệ đăng ký hơn 313.064,1 tỷ đồng.
- Bắc Ninh đã và đang chuẩn bị những gì để đón làn sóng đầu tư mới, thưa ông?
Với mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh xác định thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, lan toả thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội.
Để đón làn sóng đầu tư mới, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư thông qua mô hình bác sỹ doanh nghiệp, tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp… chúng tôi đang tập trung thực hiện “4 sẵn sàng” gồm: Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, Sẵn sàng về nhân lực, Sẵn sàng cải cách và Sẵn sàng hỗ trợ. Trong đó, tập trung hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các KCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư để có đủ quỹ đất, mặt bằng sạch đón đầu làn sóng đầu tư mới.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm