Bắc Ninh sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đó là chia sẻ của ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, để nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Ninh sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
- Xin ông cho biết quan điểm của Bắc Ninh về hưởng ứng chiến lược tăng trưởng xanh?
Tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Đây là cơ hội để các tỉnh/thành trong cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng phát triển, tái cơ cấu các nền kinh tế theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bền vững.
Hưởng ứng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bắc Ninh sớm định hướng cùng với tăng trưởng kinh tế là quan tâm đến bảo vệ môi trường, quan tâm đến văn hóa - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2007, tỉnh đã xây dựng Chương trình nghị sự 21 về Chiến lược phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, về chiến lược tăng trưởng xanh.
Bắc Ninh xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng bộ, toàn dân, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hướng tới phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu của sự phát triển; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trên quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
- Trong thu hút đầu tư, Bắc Ninh chọn lọc những dự án như thế nào để đảm bảo phát triển xanh, bền vững, thưa ông?
Trong nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn là “thương hiệu” nổi bật trong thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỉnh đã trở thành một ví dụ điển hình về sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả trong thu hút đầu tư.
Để tạo nên thương hiệu đó là cả một quá trình dài, đòi hỏi tư duy chiến lược mang tính đột phá và quan điểm nhất quán về thu hút đầu tư có chọn lọc. Tỉnh Bắc Ninh không áp dụng phương châm thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động. Do vậy, đến nay hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Trong đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất xây dựng mới đều đã áp dụng công nghệ tiên tiến, trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế.
- Để đảm bảo tăng trưởng xanh, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) là thông số tham chiếu quan trọng. Tỉnh Bắc Ninh sẽ làm gì để nâng cao thứ hạng chỉ số này, thưa ông?
Năm 2023, Bắc Ninh xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số PGI với 22,53 điểm. Thứ hạng này minh chứng cho sự nỗ lực bảo vệ môi trường của tỉnh trong nhiều năm và khẳng định rõ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường" của tỉnh.
Theo đó, tỉnh đã đưa ra nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cải thiện cho từng chỉ số thành phần trong chỉ số PGI. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc cải thiện, nâng cao thứ bậc xếp hạng PGI; đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của chỉ số PGI và được các sở, ban, ngành quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả.
Cùng với đó, tỉnh chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; kịp thời khắc phục hậu quả sau thiên tai, giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống nhân và hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh đã tiến hành cắt giảm tối đa thời gian giải quyết đối với thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường thấp hơn so với quy định pháp luật, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm