Bài học cảnh tỉnh cho ngành Y nhìn từ vụ án "thổi giá" thiết bị y tế

THANH BÌNH 28/09/2020 05:00

Việc khởi tố vụ án “thổi giá” thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai là một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức xã hội cũng như ý thức tuân thủ pháp luật trong ngành Y.

Chùm tranh của: TRẦN QUYẾT THẮNG, TRẦN QUANG MINH, CẬN.

Tranh của: Trần Thắng, Trần Quang Minh, Cận/Nhân Dân.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, và bà Trịnh Thị Thuận – Kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai về tội “Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ Luật hình sự 2015.

Việc này đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Bởi vì, chuyện nâng khống giá thiết bị y tế tại một số bệnh viện (trong đó có Bênh viện Bạch Mai) do Công ty BMS cung cấp để trục lợi là vụ việc hết sức nghiêm trọng, làm mất niềm tin của người dân đối với các cơ sở y tế, khám chữa bệnh.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2017, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh, liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa, trong đó có robot Rosa. Tuy nhiên, lãnh đạo của công ty đã câu kết với những người khác nâng khống giá trị một số thiết bị để trục lợi.

Kết quả điều tra ban đầu xác định robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (có xuất xứ từ Pháp) được Công ty BMS “thổi giá” lên gấp nhiều lần giá trị thực. Theo đó, thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỉ đồng nhưng đã bị nâng khống lên thành 39 tỉ đồng, gấp gần 4 lần giá trị thực.

Thực tế trên cho thấy, đây là hành vi đáng lên án vì gây thiệt hại nặng nề đối với người bệnh trực tiếp sử dụng thiết bị này, đồng thời gây thất thoát cho Nhà nước. Với hành vi nâng khống giá thiết bị y tế gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, các cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất 15 năm tù.

Ngoài ra, những người bị kết án có thể sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm và bị phạt tiền đến 100 triệu đồng. Nếu thu lợi bất chính thì sẽ bị thu hồi.

Có thể nói, chủ trương xã hội hóa mua sắm thiết bị y tế rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi khó khăn về kinh tế, nguồn vốn, các đơn vị cần chủ động. Hiện cả nước có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và sắp tới đây sẽ có thêm Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức được tự chủ hoàn toàn trong mua sắm trang thiết bị, không phải báo cáo và không phải đợi Bộ Y tế thẩm định.

Tuy nhiên, việc tự chủ nếu thực hiện không đúng theo quy định của Nhà nước, trên cơ sở đảm bảo hài hòa quyền lợi của Nhà nước và người bệnh thì rất dễ xảy ra tình trạng tham nhũng trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị ý tế.

Nói như ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) thì: “Việc được giao quyền tự chủ sẽ giúp các Bệnh viện chủ động hơn trong việc mua sắm thiết bị y tế, nhưng có thể sẽ xảy ra tình trạng "thổi giá" thiết bị nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ”.

Liên quan đến vấn đề tự chủ trong Bệnh viện, ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III cho rằng: “Khi áp dụng cơ chế tự chủ với các bệnh viện công lập hiện nay, hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa hiểu rõ cơ chế tự chủ mà định hướng của Đảng, Nhà nước đưa ra. Do đó, việc hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, kiểm tra, kiểm soát còn gặp khó khăn do cách hiểu rất khác nhau. Các cơ sở y tế công lập cũng chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó dẫn đến chuyện mỗi đơn vị làm một cách, không có sự thống nhất. Để khắc phục, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể, từ đó ban hành cơ chế tự chủ bài bản hơn, rõ ràng, minh bạch hơn để dễ thực hiện, dễ kiểm tra”.

Điều này cũng có nghĩa, đa số chúng ta vẫn hiểu tự chủ là phải tự đi lo, Nhà nước không hỗ trợ. Điều này chưa đúng! Tự chủ là được quyền quyết định những vấn đề thuộc chức năng nhiệm vụ của mình, trên cơ sở nguồn lực Nhà nước giao, theo quy định của pháp luật; kể cả nguồn ngân sách nhà nước cấp, hay các nguồn thu được cũng được quyết định sử dụng theo quy định, trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình. 

Theo đó, những sai phạm ở Bệnh viện Bạch Mai cần được nhìn nhận không chỉ là vấn đề về luật pháp mà còn là yếu tố con người, những người bị khởi tố đã có sự tha hóa, trục lợi ngay trên chính nỗi đau của người bệnh.

Có thể nói, tự chủ bệnh viện, xã hội hóa ngành Y là chủ trương tốt, nhưng việc một số đối tượng lại bất chấp điều đó, vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân mà giẫm đạp lên quyền lợi chính đáng của bệnh nhân, “ăn chặn” từ tiền xương máu, từ sự khốn khó kiệt cùng của người bệnh.

Trong khi, nghề y là ngày cứu người, là nghề đòi hỏi phải có đạo đức và lòng nhân ái, phải coi trọng tính mệnh con người và biết yêu thương, chia sẻ đối với những người trong cơn hoạn nạn là điều không thể chấp nhận và khó lòng tha thứ.

Chính vì vậy, việc khởi tố vụ án “thổi giá” thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai là một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức xã hội cũng như ý thức tuân thủ pháp luật trong ngành Y. Đây cũng được xem là cơ hội cho Bộ Y tế làm một cuộc cách mạng toàn diện cho ngành Y. Từ khâu quản trị nhân lực, con người, cho đến tự chủ tài chính, xây dựng chính sách phát triển… của từng “đứa con” do mình sinh ra.

Nếu vấn đề tự chủ, xã hội hóa bị lợi dụng trong các Bệnh viện, và nếu không kiểm soát chặt chẽ, thì sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn thế đó là “khủng hoảng một cách có hệ thống về cơ chế tự chủ trong Bệnh viện”. Khi đó sẽ thiệt hại rất nhiều cho người dân và cho cả quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • Bài học lớn cho ngành y nhìn từ “rốn dịch” Đà Nẵng

    05:30, 02/08/2020

  • Ngành y tế đang bị đe dọa bởi tin tặc

    01:21, 11/09/2019

  • Trí tuệ nhân tạo và cơ hội từ ngành Y

    11:15, 23/12/2019

  • AI sẽ nâng “sức khỏe” ngành y tế

    01:32, 18/08/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài học cảnh tỉnh cho ngành Y nhìn từ vụ án "thổi giá" thiết bị y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO