Mặc dù được đánh giá là đi đầu về “tốc độ” tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tuy nhiên quá trình thực hiện, Bộ GTVT lại có nhiều “lùm xùm” về sự thất thoát, lãng phí...
Theo thống kê, tính từ năm 2011 đến nay, trên cả nước đã có 631 doanh nghiệp được cổ phần hóa , trong đó có những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, sau khi cổ phần hóa, phần nhiều các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả góp phần làm tăng ngân sách nhà nước, tạo thêm công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, chấm dứt tình trạng nhà nước phải bù lỗ.
Tuy nhiên, trên thực tế theo đánh giá, tiến độ cổ phần hóa vẫn còn chậm và không thể không nhắc đến những sai phạm, tồn đọng, dẫn đến sự lãng phí, thất thoát cho ngân sách những khoản “khổng lồ”...
“Ồ ạt” thực hiện
Nói về giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) luôn được đánh giá là đơn vị đi đầu trong tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn này, Bộ GTVT phải cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên. Tuy nhiên Bộ GTVT đã thực hiện vượt xa so với kế hoạch đề ra khi cổ phần hóa được 137 doanh nghiệp, trong đó có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty…
Năm 2017, Bộ GTVT tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt thực hiện cổ phần hóa đối với 4 công ty mẹ - tổng công ty đó là các Tổng Công ty: Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Cửu Long, Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy) và 8 công ty con thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy. Riêng với Vietnam Airlines, Bộ GTVT đã hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng cổ đông chiến lược với hãng All Nippon Airways, Nhật Bản.
Cũng trong năm 2017, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai, thực hiện cổ phần hóa thêm 17 đơn vị chuyển tiếp từ năm 2016. Đặt lộ trình tiến tới cổ phần hóa toàn diện các doanh nghiệp nhà nước vào năm 2018.
Điều này đã được cụ thể hoá rất rõ khi trong năm 2016, Bộ GTVT đã hoàn thành thoái vốn tại 22 công ty cổ phần, giá trị thu về đạt 2.301,7 tỷ đồng; trong đó, đã thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 4 công ty mẹ - tổng công ty (Cienco 6, Công nghiệp ô tô Việt Nam, Tư vấn thiết kế GTVT, Vận tải thủy) và thoái giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại 1 công ty mẹ - tổng công ty (Cienco5), thu về 2.039,7 tỷ đồng bằng 133,8% giá trị mệnh giá, toàn bộ số tiền thu được sau khi trừ chi phí đã được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định.
Các công ty mẹ - tổng công ty thuộc Bộ GTVT đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 262 tỷ đồng, bằng 214,7% giá trị mệnh giá.
Đồng thời, tháng 11/2016, Bộ GTVT cũng đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long - CTCP và 8 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa với tổng giá trị vốn nhà nước trên 140 tỷ đồng về SCIC theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Bộ GTVT chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước về SCIC tại 3 tổng công ty là Cienco 5, Cienco 8, Xây dựng đường thủy và 2 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa 1 và 10.
Có thể nói, việc dẫn đầu cổ phần hóa của ngành giao thông là đáng ghi nhận, tuy nhiên, do cách làm nóng vội đốt cháy giai đoạn nên một số chủ trương đã vi phạm pháp luật và lộ rõ sự thất bại.
“Quỹ đen” của cổ phần hóa
Điển hình là việc cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn (Bình Định), theo kết luận số 1566/KL-TTCP ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, theo phương thức thoả thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng cho phép, là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Vinalines thu hồi lại 75,01% cổ phần này, đồng thời huỷ bỏ 2 văn bản hành chính bán vốn sai phạm.
Đó là các văn bản: 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần vốn sở hữu nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành (Hà Nội), theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Tổng vốn nhà nước thu hồi trong cổ phần hoá cảng Quy Nhơn (sau 3 lần bán đấu giá) chỉ 404 tỉ đồng, được cho là quá “bèo” so với giá trị thực tế của cảng này.
Còn nhớ, chia sẻ về câu chuyện cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ngành GTVT, Phó trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng cho biết, tại các kỳ họp Quốc hội trước đây, ông đã nhiều lần đề cập đến những bất cập trong quá trình thực hiện cổ phần hóa này. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 3 (năm 2017), Quốc hội khóa XIV, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có ý kiến với Tổng TTCP về việc cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam. Đến kỳ họp thứ 5 (năm 2018), ông Nhưỡng lại nhắc lại vụ việc này và đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xem lại.
“Tại sao 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội”, ông Nhưỡng nêu câu hỏi và cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng, tài sản không những hạ giá thấp mà còn để ra ngoài một khối tài sản không đưa vào cổ phần hóa, giống như loại quỹ đen của cổ phần hóa. Có đơn vị cổ phần hóa mà lãnh đạo cũng ngỡ ngàng, không biết.
“Một công ty đang làm ăn cực tốt để đến bây giờ lại phải đi thuê lại tài sản của chính công ty được cổ phần hóa theo sự chỉ định này. Hàng năm phải bỏ hàng trăm tỷ đồng ra để thuê lại. Tôi không biết như thế nhà nước có được gì không, nhân dân có được gì không, hiệu quả của 137 doanh nghiệp được cổ phần hóa như thế nào?”, ông Nhưỡng nói.
Ngoài Cảng Quy Nhơn, không ít doanh nghiệp lớn của ngành GTVT cổ phần hóa bị thoái vốn khi chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán như: Cienco 5, Tổng Cty Thăng Long, Cienco 1, Tổng Cty Tư vấn thiết kế GTVT, Tổng Cty Xây dựng đường thủy, Tổng Cty Vận tải đường thủy, Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (Tedi)… Ðiều này khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp không được cọ xát, thực sự theo giá trị thị trường, dẫn đến nguy cơ mất vốn hoặc vốn nhà nước bị bán rẻ khi tiến hành thoái vốn.
Xung quanh câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành GTVT, Diễn đàn Doanh nghiệp kính mời quý độc giả tiếp tục đón đọc trong các bài viết sau!
Có thể bạn quan tâm
Chậm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước - nguyên nhân từ đâu?
04:30, 16/07/2021
Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước?
04:05, 17/07/2021
Không phải cổ phần hóa là cái gì cũng bán!
11:00, 20/05/2021
Giày Thượng Đình kinh doanh bết bát sau cổ phần hóa
04:30, 04/04/2021
Nhiều “điểm nghẽn” cổ phần hóa
11:00, 31/03/2021
Đẩy nhanh cổ phần hóa: Phải mạnh tay xử lý trách nhiệm người đứng đầu
04:30, 17/03/2021
Cổ phần hoá DNNN: Chậm và kém hiệu quả do đâu?
05:00, 02/02/2021