Xây dựng được quy chế quản lý cụm công nghiệp là thực hiện cơ chế quản lý một đầu mối, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước, gây phiền hà cho doanh nghiệp đầu tư tại các cụm công nghiệp.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng về việc xây dựng được quy chế quản lý các cụm công nghiệp Hải Phòng. Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp hành đúng quy định của pháp luật quy hoạch và Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, trong thời gian tổ chức lập quy hoạch tỉnh.
Về việc xử lý chuyển tiếp quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh khi chưa có quy hoạch tỉnh thì quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được phê duyệt trước ngày 01/01/2019 (còn hiệu lực), trong quá trình thực hiện tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP cho đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Đối với các cụm công nghiệp có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt trước ngày 01/01/2019 (còn hiệu lực) hoặc đã được Bộ Công Thương thỏa thuận, UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung theo quy định, đáp ứng điều kiện thành lập cụm công nghiệp thì UBND cấp tỉnh mới được xem xét thành lập cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. Đối với các trường hợp bãi bỏ quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01/01/2019; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp không có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương; thành lập cụm công nghiệp không có trong quy hoạch hoặc có diện tích lớn hơn 5 ha so với quy hoạch đã được Bộ Công Thương thỏa thuận,…đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo kết quả về Bộ Công Thương trước ngày 20/5/2020.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã giao cho Sở Công thương là đầu mối tham mưu, giúp UBND TP Hải Phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại phát sinh trong quản lý, cung cấp các dịch vụ công cộng, tiện tích trong cụm công nghiệp và các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường tại cụm công nghiệp.
Tùy thực tế, khi thực hiện quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, Sở Công Thương sẽ thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra; rà soát; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp tại cụm công nghiệp để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đến những lĩnh vực liên quan của các doanh nghiệp. Sở Công Thương cũng có trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển cụm công nghiệp; điều chỉnh phương án hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp; điều chỉnh quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong xây dựng các cụm công nghiệp; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; thẩm định quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; quản lý các dịch vụ tiện ích công cộng tại cụm công nghiệp …
Được biết, từ năm 2017, Hải Phòng đã có Nghị quyết đến 2025, toàn TP sẽ có 33 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.376,62 ha; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt khoảng 80 - 90% diện tích đất công nghiệp. Theo nghị quyết này, ngoài 3 cụm công nghiệp Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), cụm công nghiệp Tàu thủy An Hồng (huyện An Dương) và cụm công nghiệp Tân Liên A (huyện Vĩnh Bảo) hiện hữu hơn 113 ha, Hải Phòng sẽ điều chỉnh, mở rộng 6 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Quán Trữ (quận Kiến An), cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng), cụm công nghiệp Tân Trào (huyện Kiến Thụy), cụm công nghiệp An Lão (huyện An Lão), cụm công nghiệp Kiền Bái – Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) và cụm công nghiệp Dũng Tiến – Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo) đồng thời Hải Phòng sẽ quy hoạch 12 cụm công nghiệp mới với tổng diện tích 456,9 ha trên địa bàn các huyện Thủy Nguyên, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng thực hiện điều chỉnh, bỏ ra khỏi quy hoạch hơn 2.710 ha đất không phù hợp với điều kiện phát triển 18 cụm công nghiệp. Chủ yếu các cụm công nghiệp vốn được quy hoạch tại các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn, Kiến An ….
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp một doanh nghiệp sản xuất may mặc tại cụm công nghiệp Vĩnh Niệm cho rằng: Thời gian qua các cụm công nghiệp Hải Phòng đã bước đầu đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Nếu Hải Phòng xây dựng được quy chế quản lý mới thì sẽ phát huy lợi thế cụm công nghiệp hơn. Khi các cụm công nghiệp đi vào hoạt động theo quy chế sẽ gắn trách nhiệm của các ngành trong việc phát triển cụm công nghiệp. Doanh nghiệp chúng tôi kỳ vọng, với việc có cơ chế mới về quản lý cụm công nghiệp, các cụm công nghiệp sẽ phát huy lợi thế, huy động được các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá về đổi mới mô hình tăng trưởng công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có sức cạnh tranh cao.
Có thể bạn quan tâm
Tìm lời giải thông luồng cho Cảng Hải Phòng: Đừng để trên thông, dưới… tắc
14:27, 11/04/2021
Du lịch Đồ Sơn Hải Phòng: Liệu đã “thức giấc” ?
05:20, 11/04/2021
Hải Phòng: huyện Cát Hải điều chỉnh quy hoạch 562ha để phát triển du lịch
22:12, 09/04/2021
Hải Phòng: Làm gì để giữ vững vị trí tốp đầu về tăng trưởng kinh tế?
01:41, 09/04/2021
Những cây cầu kết nối Hải Phòng - Hải Dương có về đích đúng tiến độ?
01:36, 08/04/2021