Thời đại công nghệ 4.0 và các xu hướng toàn cầu hóa là điều mà cả thế giới đều phải công nhận. Những yếu tố này đang ảnh hưởng trực tiếp tới các nền kinh tế và thị trường lao động...
Tỷ lệ lao động thất nghiệp gia tăng chóng mặt
Thời gian đầu năm 2020, thất nghiệp được dự đoán sẽ tăng khoảng 2,5 triệu. Thất nghiệp toàn cầu đã ổn định trong chín năm qua nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại có nghĩa là, khi lực lượng lao động toàn cầu tăng lên, không có đủ việc làm mới được tạo ra để hấp thụ những người mới tham gia vào thị trường lao động.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, tỷ lệ lao động thất nghiệp trên toàn thế giới đang gia tăng một cách chóng mặt. Chỉ tính riêng ở Mỹ, trong vòng năm tuần kể từ khi đại dịch bùng phát tại Mỹ đã có đến 26 triệu người lao động làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp tương đương với 1/6 người lao động Mỹ mất việc làm. Đây là chuỗi sa thải tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở nước này.
Còn trên thế giới, theo báo cáo tháng 4 của Liên hợp quốc (LHQ), dự đoán trong quý II năm 2020, sẽ có đến 195 triệu người trên khắp thế giới sẽ mất việc do COVID-19, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao chưa từng có trong lịch sử.
Theo dự báo của các chuyên gia Liên hợp quốc, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng này sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông dân, công dân tự làm chủ, người tị nạn và người di cư.
Có thể nói, COVID-19 đang đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng “chưa từng thấy” từ sau Thế chiến thứ II và tác động một cách sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu. Bằng cách này hay cách khác, nó đã tác động, ảnh hưởng đến khoảng 80% số người trong độ tuổi lao động trên thế giới. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người lao động trên toàn cầu bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương.
Còn tại Việt Nam, theo trình bày báo cáo tổng quan về lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020, bà Vũ Thị Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) - cho biết tình hình lao động việc làm tại Việt Nam đang có nhiều biến động.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại từ cuối tháng 1 năm nay đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động. Tính đến hết quý 1/2020, cả nước có khoảng 48,9 triệu lao động trong độ tuổi, số lao động thất nghiệp trong quý 1 năm nay khoảng 1,1 triệu người, tăng khoảng 26 ngàn người so với quý trước.
Theo kết quả khảo sát, điều tra của Tổng cục Thống kế tại 131 nghìn doanh nghiệp trên cả Việt Nam, ghi nhận đến giữa tháng 4/2020 có khoảng gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên.
Triển vọng nào cho thị trường lao động thế giới năm 2020?
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 và các xu hướng toàn cầu hóa mà cả thế giới đều phải công nhận. Những yếu tố này đang ảnh hưởng trực tiếp tới các nền kinh tế và thị trường lao động trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa đang đòi hỏi các thị trường lao động cần phải được nâng cấp, các lao động có tay nghề cao và sử dụng thành thạo các công nghệ mới đang được ưa chuộng.
Dữ liệu mới được ILO-Tổ chức lao động thế giới thu thập cho thấy phần lớn trong số 3,3 tỷ người được tuyển dụng trên toàn cầu năm 2019 có an ninh kinh tế không đủ, phúc lợi vật chất và bình đẳng về cơ hội. Hơn nữa, tiến bộ trong việc giảm thất nghiệp trên toàn cầu không được phản ánh trong các cải thiện về chất lượng công việc.
Báo cáo chỉ ra rằng một số mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả những mô hình được kích hoạt bởi công nghệ cao đều có nguy cơ làm suy yếu thành tựu thị trường lao động hiện tại - trong các lĩnh vực như cải thiện hình thức và an ninh lao động, bảo vệ xã hội và tiêu chuẩn lao động, trừ khi các nhà hoạch định chính sách về lao động đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra.
Ông Damian Grimshaw, Giám đốc nghiên cứu của ILO cho biết, không cứ có việc làm là sẽ đảm bảo một cuộc sống tốt. Ví dụ, trên thế giới có tới 700 triệu người đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực hoặc vừa phải mặc dù có việc làm.
Lực luợng lao động có việc làm trên toàn cầu đang phải đối diện với nguy cơ mất việc do tự động hóa lớn hơn so với lao động lớn tuổi và những người tốt nghiệp trường đào tạo nghề là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 01/05/2020
11:00, 01/05/2020
11:00, 01/05/2020
07:30, 01/05/2020
06:45, 01/05/2020
Theo trích dẫn từ báo cáo của ILO, điều này thể hiện những kỹ năng nghề chuyên ngành được đào tạo có xu hướng nhanh lỗi thời hơn so với những kỹ năng đào tạo cơ sở. Báo cáo đặt ra vấn đề là các chương trình đào tạo nghề cần phải được điều chỉnh và cập nhật để có thể đáp ứng những yêu cầu liên tục thay đổi của nền kinh tế số.
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người tốt nghiệp trình độ giáo dục đại học thì ít có nguy cơ công việc của họ bị thay thế bởi tự động hóa. Tuy nhiên, họ phải đối diện với những vấn đề khác do số lượng thanh niên có trình độ giáo dục đại học ngày càng tăng sẽ vượt quá nhu cầu lao động phổ thông, dẫn đến việc đẩy mức tiền lương của lao động phổ thông giảm đi.
Thời điểm này, xu hướng toàn cầu hóa đang chậm lại. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, địa chính trị sẽ là yếu tố then chốt tác động thúc đẩy một xu hướng khu vực hóa (quy mô thương mại khu vực sẽ lớn hơn so với thương mại toàn cầu) và công nghệ là một trong những nhân tố tác động tới làn sóng reshoring (quyết định đưa công đoạn sản xuất mà trước đây được di chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn về chính quốc). Có thể sẽ làm thay đổi xu hướng cho thị trường lao động thế giới trong thời gian tới.