Công nghệ làm cho cuộc sống của chúng ta thay đổi và sự thay đổi lớn nhất chính là nhu cầu trải nghiệm số của khách hàng đang làm chuyển dịch chính báo chí và doanh nghiệp.
Năm 1993, đến làm việc tại tòa báo The Morning Call ở Allentown, bang Pennsylvania, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những phóng viên bị hội chứng ống cổ tay. Họ băng bó cổ tay, không gõ bàn phím được và phải đọc cho máy tính gõ hộ các bài báo một cách rất chật vật.
Thực tế chuyển dịch số với tốc độ... tên lửa
Ngày nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) Heliograf của tờ Washington Post đã có thể tự tạo ra hàng ngàn bài viết, từ các bài viết thể thao đến chính luận. Nhưng đó chưa phải là những đột phá quan trọng nhất của cuộc cách mạng 4.0 đối với truyền thông. Tôi nhớ rằng, từ những thập niên 90 thế kỷ trước, đã có một dự án xây dựng database dựa trên khối lượng khổng lồ các bài báo của tờ Vietnam Investment Review, nhằm khai thác thông tin từ các bài “back copy” – các bài báo cũ.
Với database này, các phóng viên của báo có thể truy xuất lịch sử, làm cho bài viết phong phú hơn nhờ các thông tin nền dày đặc. Tuy nhiên, ngày nay, công nghệ AI của các toà soạn như Associated Press giúp đỡ phóng viên giải phóng rất nhiều thời gian làm khảo cứu, bằng cách khai thác cực nhanh lượng thông tin tràn ngập trên mạng internet.
Tờ Post nói rằng Heliograf thậm chí còn phát hiện ra xu hướng bất thường của kết quả bầu cử, khiến phóng viên của họ có thể có những bài viết đúng “trend” hơn rất nhiều.
Những gì thời thượng chúng ta đang nhìn thấy chính là cuộc hôn phối giữa công nghệ và nội dung, theo đó công nghệ tạo ra nền tảng tương tác tốt hơn cho nội dung.
Ngay vào lúc này, tôi đang nóng lòng chờ món hàng rất đặc biệt – Arsenal, trợ lý thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo cho bất cứ một chiếc máy ảnh DSLR nào. Thiết bị nhỏ xíu này, kết nối với camera qua cổng micro USB và điện thoại thông minh, có thể học từ hàng ngàn bức ảnh tuyệt hảo để đưa ra giải pháp tốt nhất cho mỗi shot hình. Việc có những tác phẩm hình ảnh tốt nhất không còn là điều khó nữa.
Đó chỉ là hai trong số những sự kỳ diệu mà công nghệ số có thể thay đổi thế giới truyền thông của chúng ta. Hiển nhiên nó tác động cả về phía báo chí, các cơ quan truyền thông, và cả về phía doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
11:10, 20/06/2018
05:35, 15/06/2018
16:35, 13/06/2018
14:22, 16/03/2018
Nội dung và công nghệ là hai mặt của truyền thông số. Rõ ràng, chúng ta đang đối mặt với sự thay đổi của công nghệ, và không hiếm những người hoảng sợ trước những làn sóng công nghệ mới. Nhưng nếu chúng ta hiểu được bản chất chi phối của công nghệ đối với nội dung thì sẽ thấy những mối đe dọa từ phía công nghệ là không có căn cứ, hoặc ít nhất nó không phải là những dịch chuyển khó khăn khiến chúng ta không theo bám kịp. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin đề cập đến 2 thuộc tính nổi bật: tính minh bạch và tính tương tác.
Trở lại câu chuyện của Heliograf trên đây, công nghệ đang đóng vai một trợ thủ đắc lực của người làm truyền thông. Một nhà phát triển công cụ social listening ở Việt Nam cũng từng nói với tôi rằng hệ thống của anh ta có thể truy xuất những bài viết trọng tận xó xỉnh của mạng xã hội hoặc những trang web cô độc đâu đó, ít người biết.
Thực tế cho thấy cư dân mạng có thể lôi ra bất cứ một thông tin bí mật nào của bất cứ người nào, nếu muốn. Với sự giúp đỡ của công nghệ truy quét dữ liệu, và sự thông minh của các trợ lý ảo kiểu như Apple Siri, Microsoft Cortana, Amazon Alexa, Samsung Bixby… quá trình tìm kiếm còn nhanh hơn nữa. Tất cả mọi thông tin từng xuất hiện đều được Google lưu trữ và không bao giờ lãng quên.
Và sự... rò rỉ thông tin không giới hạn
Chúng ta cũng nhìn thấy sự hỗn loạn vô chính phủ của truyền thông xã hội, đặc biệt nở rộ trong những năm gần đây. Báo cáo Digital News Report 2018 của Reuters Institute cho biết có đến 31% dân Mỹ cho rằng họ đã bị đọc phải tin tức giả mạo trong tuần qua, trong khi con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ là 49%, Anh là 15%. Hiện chưa có con số ở Việt Nam, nhưng các loại thông tin gây nhiễu loạn tâm lý, hoặc pha trộn thật giả, gây không ít hệ luỵ đối với quốc gia và doanh nghiệp.
Bất cứ một cá nhân nào cũng có thể đăng tải các thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội. Lợi dụng tâm lý mất niềm tin vào các cơ quan chức năng và báo chí chính thống, chỉ cần một vài thông tin có vẻ đúng, những người chủ tâm triệt hạ một doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo ra làn sóng tẩy chay, phản đối doanh nghiệp. Chỉ một thông tin không rõ ràng về vỏ hạt cà phê trộn pin mà cả một ngành cà phê điêu đứng. Chỉ một video clip không được kiểm chứng mà cả một doanh nghiệp sản xuất bánh trung thu ế ẩm.
Thật may, bên cạnh khối lượng không nhỏ công chúng bị chi phối bởi cảm xúc đơn giản, vẫn có nhiều người dễ dàng phân biệt thông tin giả với thông tin khách quan. Nếu như công nghệ trao cho chúng ta những kênh thông tin tự do biểu đạt, thì nó cũng đang trang bị công cụ xác thực thông tin. Nó chỉ cho chúng ta thấy rằng sẽ rất nguy hiểm với các doanh nghiệp nếu thông tin đăng tải trên mạng là không chính xác. Bài toán của doanh nghiệp trong thời đại truyền thông số là phải cung cấp nhiều nhất có thể các thông tin chính xác, đúng đắn, đồng thời, công khai thẳng thắn thừa nhận những thông tin chưa tốt, với một lộ trình cải thiện, thay đổi.
Hệ thông tin minh bạch
Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một thương hiệu doanh nghiệp là sự tin cậy. Khi thông tin về doanh nghiệp bị bao phủ trong một màn sương mờ ảo, khó kiểm chứng hoặc gây nghi ngờ, thì dù doanh nghiệp có cố gắng bao nhiêu, niềm tin cũng rất khó vãn hồi. Trong khi một nửa công chúng háo hức và chia sẻ phấn khích khi VinGroup và Viettel chung tay chia sẻ chi phí mua bản quyền World Cup 2018 với VTV thì không ít người tỏ ra ngờ vực sự vô tư của các tập đoàn này. Đó là bởi vì các doanh nghiệp chưa thực sự tạo ra hệ thống thông tin đủ minh bạch, khách quan và đáng tin cậy.
Từ khoá thứ hai là sự tương tác trong hoạt động truyền thông. Sự tương tác có thể được thực hiện bằng công nghệ, với phương thức truyền thông mở, bằng mạng xã hội hoặc các ứng dụng di động, công nghệ thực tại ảo… Nhưng, sự tương tác có ý nghĩa hơn nhiều chính là nội dung. Trong một bài viết năm 1996, Bill Gates, ông vua công nghệ viết rằng “nội dung là vua”. Thành ngữ này không mới, nhưng điều thú vị là ngay từ những năm tháng đầu tiên, nhà sáng lập Microsoft tin rằng internet sẽ là cái chợ nội dung khổng lồ.
Khác với công nghệ, nội dung tạo ra tương tác bằng sự chia sẻ, bình luận, tranh cãi, thậm chí là những xu thế ăn theo mà giới trẻ hay gọi là “trend”. Các nhà làm chiến lược nội dung thường nương theo sức nóng của mạng xã hội để tìm ra cái “trend” mà cư dân mạng quan tâm, để rồi sản xuất các nội dung ăn theo các xu hướng đó. Không thiếu các thương hiệu dựa theo phong trào #metoo để quảng bá sản phẩm của mình và không thiếu các doanh nghiệp sử dụng các từ khoá lan truyền trên mạng cho TVC giới thiệu sản phẩm.
Nội dung có thể lây lan thường tạo được sự tương tác cao. Thông thường, các loại nội dung này có khả năng tạo ra một xúc cảm đặc biệt nào đó, bằng tiếng cười, giọt nước mắt, hoặc đôi khi chỉ là sự bức xúc xã hội. Một video của Bánh Mỳ Minh Nhật kể về câu chuyện ngoại tình có 2 triệu lượt xem, một video tái xuất của Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ được tranh cãi với đủ mọi cảm xúc đa chiều. Sự thú vị của nội dung lan truyền là sự tương tác phần lớn là tự nhiên, ít có tác động của công nghệ mua bán lượng xem ảo, cũng không cần bỏ nhiều kinh phí quảng bá.
Một loại nội dung khác, cũng có khả năng tạo tương tác cao độ, là những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn, có giá trị tinh thần. Người ta dễ dàng cảm thông, chia sẻ và góp phần lan toả những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục tốt đẹp, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững... Câu chuyện Vietnam Airlines vận chuyển tạng khẩn cấp để mang lại sự sống cho một con người có sức lan toả mạnh hơn một chiến dịch khuyến mãi.
Sự hấp dẫn của truyền thông số không phải là khả năng kiểm soát và tiết kiệm ngân sách quảng cáo. Thực ra, sức mạnh của nó nằm ở cái bắt tay giữa doanh nghiệp với truyền thông, báo chí, khai thác sức mạnh của truyền thông số ở hai tiêu chí minh bạch và tương tác.