Kinh tế

Bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu

YẾN NHUNG 04/08/2024 04:07

Trước thực tế, các bên trên thị trường buôn bán xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi quy định theo hướng cho phép thương nhân phân phối được mua bán lẫn nhau.

xang dau
Hội thảo“Góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu” do VCCI và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức. Ảnh: Gia Nguyễn

Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng, xây dựng Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo) thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó nhằm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của thị trường xăng dầu.

Quy định chưa phù hợp

Tại Dự thảo, quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu là một trong nội dung được các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, Điều 17 của Dự thảo quy định, thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Không cho phép các thương nhân phân phối mua bán hàng hóa với nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu giả với con số lên đến hàng trăm triệu lít đã khiến dư luận xôn xao thời gian qua. Dù đã có nhiều vụ việc bị phanh phui, song có thể đâu đó vẫn còn những vụ việc chưa được phát hiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với hệ thống phân phối xăng dầu Việt Nam, với an ninh năng lượng trong nước. Vì vậy, quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng, bảo vệ cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hơn nữa, theo cơ quan soạn thảo, nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, thương nhân phân phối là doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh, nhưng Dự thảo lại chỉ cho họ mua từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua chéo của nhau, điều này không đảm bảo tính cạnh tranh thị trường.

Đề xuất sửa đổi

Mới đây, tại văn bản góp Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, lập luận của cơ quan soạn thảo là không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường.

Theo VCCI, các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.

Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, tức là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, buộc phải chịu giá cao.
“Nhưng từ Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên không còn”, VCCI nêu rõ.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác. Tuy nhiên theo Dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông không áp dụng cho thương nhân phân phối, do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, thương nhân phân phối là một khâu quan trọng trong lưu thông hàng hoá. Họ không phải trung gian đẩy giá xăng dầu lên.

Theo ông Bảo, có nhiều thương nhân phân phối có quy mô lớn hơn cả doanh nghiệp đầu mối, chứ không phải thương nhân phân phối là bé hơn đầu mối. Vì vậy, không nên hạn chế loại hình thương nhân phân phối.
“Đã là thị trường thì thương nhân phân phối mua ở đâu và bán ở đâu là do họ”, ông Bảo nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định các thương nhân phân phối chỉ được mua từ các thương nhân đầu mối, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, không hẳn lúc nào các doanh nghiệp đầu mối cũng đủ lượng hàng, giá cả hợp lý ở từng vùng, từng thời điểm.
Do đó, nên có quy định cho phép thương nhân phân phối mua bán của nhau và có thể quy định tỷ lệ là bao nhiêu. Ví như, 50-70% mua thoải mái của doanh nghiệp đầu mối, còn lại 30% mua bán lẫn nhau. Bởi, đây chính là nghiệp vụ điều hoà thị trường.
“Thị trường có biến động bất thường thì điều hoà lượng hàng từ thương nhân phân phối nhiều hàng sang thương nhân phân phối ít hơn. Đề xuất thương nhân phân phối không được mua hàng lẫn nhau là điều cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Bảo góp ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO