Bảo hiểm bắt buộc ngược quy trình

GIA NGUYỄN - VINH ĐỨC 27/05/2020 17:28

Tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với phương tiện ô tô, xe máy là chấp hành đúng chủ trương, chính sách về chia sẻ rủi ro khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân cảm thấy "ấm ức" bởi trong khi họ bị "ép" mua bảo hiểm thì quy trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ lại buông lỏng…

Cơ quan quản lý Nhà nước nên thực hiện cả trách nhiệm giám sát bồi thường cho người mua bảo hiểm. Bảo hiểm xe máy bán với giá rẻ tại Hà Nội - Ảnh: Thành Nguyễn

Cơ quan quản lý Nhà nước nên thực hiện cả trách nhiệm giám sát bồi thường cho người mua bảo hiểm. Bảo hiểm xe máy bán với giá rẻ tại Hà Nội - Ảnh: Thành Nguyễn

Ngày 25/5, Bộ Tài chính – Đinh Tiến Dũng vừa ra thông báo hỏa tốc số 349/TB-BTC truyền đạt chỉ đạo về việc hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý, giám sát nhằm nâng cao chất lượng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP) trong tháng 5/2020 để Bộ Tài chính trình Chính phủ. Theo đó, dự thảo mới cần theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, tăng cường giám sát hậu kiểm để tránh trục lợi bảo hiểm…

Ngán ngẩm quy trình

Theo công bố của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm: năm 2019 doanh thu bảo hiểm xe máy là 765 tỉ đồng, bồi thường thiệt hại 45 tỉ đồng (chưa tới 6%). Đây là một con số thấp kỷ lục nếu so với các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác. Nhìn vào con số trên với chuyên môn của mình, liệu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có bao giờ đặt câu hỏi, vì sao tỉ lệ bồi thường lại thấp như vậy? Trong khi tình hình tai nạn giao thông do các phương tiện gây ra rất cao qua các năm? Vậy ai chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi của người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) xe máy trong những năm qua?

  Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phải khẩn trương thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề trong tháng 5/2020 về vấn đề bảo hiểm bắt buộc đối với các doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn. 

Thực tế hiện nay, bảo hiểm TNDS bắt buộc đang không phát huy được vai trò, mục đích của việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia khi có tai nạn xảy ra thì thủ tục bồi thường quá phức tạp và gây khó khăn cho người thụ hưởng.

Theo quy định hiện nay, để được hưởng quyền lợi, người dân phải cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm hàng loạt tài liệu bổ sung vào hồ sơ bồi thường như: giấy thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường theo mẫu, các chứng từ xác định và chứng minh thiệt hại do tai nạn, bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc của nhân viên doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến xe và lái xe, bản sao bộ hồ sơ tai nạn (có xác nhận của công an nơi thụ lý tai nạn), sơ đồ hiện trường tai nạn, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe liên quan tới tai nạn giao thông...

Cụ thể, khi gặp tai nạn giao thông, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời, thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Chủ xe không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn...

Tuy nhiên, ông Trần Nguyên Đán, Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính cho biết, ở các nước người dân thực hiện thủ tục trên không phải ngược chạy xuôi kiếm đủ thứ giấy tờ như ở Việt Nam. Bởi vì, việc thu thập các giấy tờ chứng minh tai nạn và thiệt hại là do doanh nghiệp bảo hiểm phụ trách, người tham gia chỉ có trách nhiệm hỗ trợ.

Ông chia sẻ thêm, Việt Nam cũng đang đi ngược lại với các nước trong cách sử dụng quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Trong khi các nước dùng tiền phạt người tham gia giao thông sai luật để bỏ vào quỹ bảo vệ nạn nhân thì ở Việt Nam, quỹ này lại trích tới tối đa 20% số tiền để chi thưởng cho lực lượng công an có thành tích "bắt phạt".

“Không sai về bản chất mà sai về cách thức thực hiện”

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 22/5, ông Phùng Ngọc Khánh - Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thủ tục làm bồi thường đối với bảo hiểm xe máy đúng là có vấn đề và cần sửa đổi.

Vậy, tại sao đến tận bây giờ cơ quan quản lý nhà nước mới thừa nhận rằng "thủ tục bồi thường quả là có vấn đề"? Việc bắt buộc mua bảo hiểm TNDS xe máy nên hay không?

Trong khi đó, ông Trần Nguyên Đán cho rằng: “Bảo hiểm TNDS xe máy hiện nay không sai về bản chất mà sai về cách thức thực hiện và cần phải thay đổi”.

Cũng theo ông Đán, cần bắt buộc người tham gia giao thông phải có bảo hiểm TNDS, bởi vai trò của loại hình bảo hiểm này là bảo vệ lợi ích người bị nạn, nhưng cách thức triển khai hiện nay không làm bật lên vai trò đó mà dường như đang bảo vệ lợi ích của ai đấy. "Doanh nghiệp bảo hiểm cần thay đổi, từ việc trả hoa hồng cao ngất ngưởng cho đại lý khiến khâu bán trở nên qua loa, cho đến sự thiếu chủ động hỗ trợ người dân hoàn thiện thủ tục bồi thường như hiện nay", ông Đán chia sẻ.

Trước sức nóng của dư luận về sự trùng hợp ngẫu nhiên trong thời gian qua, khi đợt tổng kiểm tra đảm bảo An toàn giao thông của Cục CSGT lại biến thành tổng kiểm tra bảo hiểm TNDS bắt buộc, ông Đán cho hay: Chúng ta cũng nên tạm ngừng chương trình kiểm tra bảo hiểm TNDS xe máy và xử phạt. Thay vào đó nên tập trung cho công tác tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân hiểu tác dụng của bảo hiểm và cách thức bảo vệ quyền lợi của mình.

Khi bắt buộc người dân mua bảo hiểm như hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước, ngoài quản lý thực hiện chức năng giám sát đối với người bán nên chăng, thực hiện cả trách nhiệm giám sát bồi thường cho người mua?

Được biết, theo dự thảo nghị định mới quy định trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, trong đó có xe máy, Bộ Tài chính đề xuất thủ tục bồi thường phải giảm theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người chủ xe máy, người đi xe máy mà không may gây tai nạn làm thiệt hại về người, tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

Quy trình, quy định pháp luật trong quá trình khai báo, xác nhận, chi trả bảo hiểm còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho người dân, dẫn tới tâm lý ngại đề nghị bảo hiểm bồi thường, bỏ qua. Tuy nhiên các bức xúc của người dân trong việc đề nghị bảo hiểm chi trả là có căn cứ, bởi vậy song song với việc tăng cường kiểm tra xử phạt, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật để khai thông quá trình chi trả bảo hiểm, bảo đảm quá trình khai báo, xác nhận, đền bù được thực hiện một cách nhanh chóng và tiện lợi. Song song với đó là siết chặt các quy định để phòng chống gian lận trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế:

Bộ Tài chính phải rà soát và sửa đổi lại chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Sau khi áp dụng hơn 10 năm nay mà người dân không hề quan tâm, thể hiện qua con số chỉ có 30% xe máy trong cả nước có mua bảo hiểm, năm 2019 số tiền bồi thường bảo hiểm cho tai nạn xe máy 6% doanh thu là quá thấp.

Doanh nghiệp bảo hiểm bán được đồng nào gần như hưởng đồng đấy, không phải thực hiện theo đúng tính chất của bảo hiểm là đền bù thiệt hại khi không may xảy ra tai nạn. Và ngay cả cơ quan nhà nước quản lý và giám sát sản phẩm này chưa quản lý đúng tính chất của bảo hiểm bắt buộc. Cách thức quản lý của cơ quan chức năng phải chặt chẽ đối với người bán và cả trách nhiệm bồi thường cho người mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo hiểm bắt buộc ngược quy trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO