So với pháp luật Việt Nam, cam kết sở hữu trí tuệ trong CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh, và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi.
Các quy định về sở hữu trí tuệ trong CPTPP chính là kế thừa toàn bộ chương 18 gồm 83 điều của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, CPTPP hoãn thi hành với 10 nội dung của chương 1817 về đối tượng được cấp bằng độc quyền sáng chế và thời hạn bảo hộ; về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác; về bảo hộ thuốc sinh học; về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; về các biện pháp bảo vệ quyền bằng công nghệ; về thông tin các nội dung quản lý của quyền sở hữu trí tuệ; về bảo hộ tín hiệu cáp và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; về chế tài và khu vực an toàn.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 15/06/2019
12:00, 14/06/2019
04:28, 04/06/2019
Khuyến khích bảo hộ về mùi
Thách thức từ các tiêu chuẩn bảo hộ cao đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ CPTPP đặt ra tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ so với pháp luật Việt Nam.
Đối với nhãn hiệu, Điều 18.18 CPTPP yêu cầu “không Bên nào được từ chối đăng ký một nhãn hiệu chỉ với lý do rằng dấu hiệu cấu thành nhãn hiệu đó là âm thanh. Thêm vào đó, mỗi bên phải nỗ lực hết sức để đăng ký nhãn hiệu mùi…”. Đáng nói, Việt Nam chỉ có 3 năm (muộn nhất là 30/12/2021) phải thực hiện nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu dưới hình thức âm thanh.
Đối với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, Điều 18.22 của CPTPP yêu cầu các nước không được xác định một nhãn hiệu là nổi tiếng khi “nhãn hiệu đó đã được đăng ký tại Bên đó hoặc trong một lãnh thổ tài phán khác, hoặc được liệt kê trong một danh sách các nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc đã được công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng”. Trong khi đó đây lại chính là những tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam.
Rõ ràng, Việt Nam phải ngay lập tức sửa đổi các nội dung này trong các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo tính tương thích. Điều này có thể dẫn đến việc thay đổi căn bản toàn bộ cơ chế đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, và sẽ là thách thức đối với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.
Đối với sáng chế, CPTPP đưa ra các tiêu chuẩn tương tự như quy định của pháp luật Việt Nam về tính mới, tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp.
Ngoài ra, Điều 18.38 của CPTPP bảo vệ chủ sở hữu sáng chế hơn khi quy định thời gian ân hạn đối với tính mới “mỗi bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế và xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó”.
Nhưng vấn đề này chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Để tuân thủ CPTPP, Việt Nam cũng phải làm rõ các nội dung sẽ được công bố khi công bố sáng chế, cũng như xây dựng hệ thống đăng ký sáng chế minh bạch và hiệu quả hơn. Thêm vào đó, với quy định ân hạn như trên, chủ sở hữu sẽ giảm bớt rủi ro bị mất tính mới do lộ thông tin về sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký.
Trong lĩnh vực sáng chế, CPTPP dành tiểu mục B để quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác đối với nông hóa phẩm- sản phẩm nông nghiệp có chứa một thành phấn hóa học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể, thời hạn bảo hộ đối với dữ liệu thử nghiệm và các dữ liệu bí mật khác về tính an toàn/hiệu quả của nông hóa phẩm mới ít nhất là 10 năm kể từ ngày cấp phép lưu hành nông hóa phẩm mới trong lãnh thổ của nước thành viên.
Điều 18.47 chỉ rõ “Nếu một Bên yêu cầu như một điều kiện để cấp phép lưu hành đối với nông hóa phầm mới, việc nộp dữ liệu thử nghiệm hoặc các dữ liệu bí mật khác liên quan đến tính an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm thì Bên đó không được cho phép người thứ ba, nếu không được sự đồng ý của người mà trước đó đã nộp dữ liệu, đưa ra thị trường sản phẩm trùng hoặc tương tự dựa trên các thông tin đó hoặc dựa trên việc cấp phép lưu hành cho người nộp dữ liệu thử nghiệm hoặc dữ liệu khác đó….” Như vậy, có thể hiểu việc bảo hộ đối với dữ liệu chưa được bộc lộ liên quan đến nông hóa phẩm là tự động, không cần qua đăng ký.
Trong khi đó, Điều 128 khoản 1 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 chỉ quy định việc bảo mật dữ liệu thử nghiệm như một nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền khi người nộp đơn đăng ký có yêu cầu, mà không coi những dữ liệu này là đối tượng được bảo hộ. Hơn nữa, Điều 128 Khoản 2 quy định nghĩa vụ bảo mật này chỉ kéo dài 05 năm. Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các nước thành viên CPTPP (thể hiện trong các Thư song phương) theo đó các nước chấp nhận không kiện Việt Nam ra cơ chế giải quyết tranh chấp của CPTPP trong vòng 05 năm sau năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Quy định này đồng nghĩa với việc Việt Nam có 10 năm thực thi nghĩa vụ này trong đó bao gồm cả công việc sửa đổi những nội dung này.
Lưu ý cho doanh nghiệp
Với Việt Nam việc thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP thật sự là một thách thức rất lớn.
Sở hữu trí tuệ là xương sống của một nền kinh tế tri thức trong tương lai. Đây cũng là nội dung đàm phán khó khăn trong CPTPP. Mặc dù Việt Nam được đánh giá là nước có hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ khá đồng bộ và tiên tiến, thậm chí còn có nhiều điểm tiến bộ so với pháp luật của các nước trong khu vực nhưng phải ý thức được rằng CPTPP còn đòi hỏi cao hơn thế. Sửa đổi pháp luật sở hữu trí tuệ cho tương thích với nội dung của Hiệp định trong khoảng thời gian theo quy định là thách thức đầu tiên Nhà nước phải vượt qua.
Xây dựng, củng cố bộ máy cả về chất lượng chuyên môn và số lượng là điều tất yếu phải thực hiện song song với quá trình cải cách luật pháp nói trên. Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và xã hội về CPTPP nói chung và các thách thức trong sở hữu trí tuệ nói riêng là phương án giúp giảm bớt áp lực của các thử thách nói trên.
Về phía doanh nghiệp, chủ động nắm bắt các cơ hội từ CPTPP là điều không thể tránh khỏi nếu doanh nghiệp muốn tận dụng những lợi thế của Việt Nam trong CPTPP. Trên thực tế, rất ít doanh nghiệp tự liên hệ để hỏi thông tin nhằm tìm hiểu thị trường xuất khẩu và ưu đãi cho sản phẩm của mình. Khi tiếp cận thị trường gần nửa tỷ dân của CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ đối mặt với các vụ khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí là bị áp dụng các chế tài do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, hiểu rõ thách thức và có chiến lược, giải pháp vượt qua các thách thức là con đường phát triển tối ưu với doanh nghiệp hiện nay.