Bảo tàng 400 tỷ và sự khốn khó ở ĐBSCL

Trương Khắc Trà 20/05/2020 06:10

Ai có thể chứng minh được hiện nay ở ĐBSCL thiết chế văn hóa chưa xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp?

Tuần trước ghé chơi nhà ông anh trên thành phố, căn nhà kiểu Thái 2 tầng khang trang, ngoài sân là một ốc đảo có đủ nước, non bộ và sinh vật cảnh. Nhưng độc đáo nhất là một gian tại phòng khách trưng bày những vật dụng đặc biệt.

Đó là đôi quang gánh, chiếc cày, cái đó đơm cá, tôm, vài cái cuốc, xẻng với tỷ lệ thu gọn...Theo anh, đó là kỷ niệm của một thời cơ cực ở làng quê gốc gác từng sinh ra và lớn lên.

Nay là chủ doanh nghiệp khá lớn, không thiếu thứ gì nhưng anh muốn các con mình nhớ về tổ tiên, với lại đó cũng là thú chơi tao nhã giữa phố phường chật hẹp, nóng bức.

Mà cũng thật, con người ta chỉ có điều kiện hoài cổ, nhớ về nguồn cội khi cái dạ dày đã chất đủ thứ của ngon vật lạ, cơm no ấm cật. Thử nghĩ xem, ngày chạy ăn ba bữa, ăn bữa nào lo bữa ấy liệu có đủ thời gian để nghĩ về những thứ xa xôi?

Theo cái nghĩa hẹp nhất, vật chất quyết định ý thức là ở chổ đó, dân gian cũng từng rất thô mà thật, rằng: “cha chết không bằng hết ăn”. Từ câu chuyện giản đơn này cũng đủ để luận suy về nhiều thứ lớn lao. Như cái bảo tàng chẳng hạn.

Nhớ về nguồn cội, lưu lại dấu chân cha ông ta đã đi qua là cách để sống tốt, đệm bước vững vàng vào tương lai. Không ai nói cái bảo tàng không quan trọng, nhưng cốt ở chổ khi nào nên xây, lúc nào chưa nên.

Giữa lúc khốn khó trăm bề do dịch dã, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) oằn mình gánh chịu hạn, mặn, di cư...mà tỉnh Vĩnh Long vừa ký cái roẹt chi hàng trăm tỷ đồng xây bảo tàng Nông nghiệp, thật khó đủ lý lẽ để phân bua sao cho đúng!

Đến cả Mỹ đã cảnh báo những mối nguy ở ĐBSCL!

Đến cả Mỹ đã cảnh báo những mối nguy ở ĐBSCL!

Hơn 20 triệu dân ở ĐBSCL cần gì? Họ cần nước ngọt, cần đê điều, cần phù sa trên ruộng, cần sinh kế dài lâu. Hãy hỏi dân thử, họ có thích ngắm bảo tàng trong âu lo hay không?

Bây giờ, bao nhiêu tiền đổ về ĐBSCL vẫn không đủ để giải quyết hậu họa của biến đổi khí hậu, nhân tai trên thượng nguồn sông Mêkong. Cái bảo tàng hàng trăm tỷ chứ không phải “tiền lẻ”!

Mục tiêu của đề án là tạo dựng một “thiết chế văn hóa” quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cái lý rất sang trọng và tôi tin chắc rằng, không nhiều người dân có thể hiểu như thế nào là “thiết chế văn hóa”, nguồn gốc, cái gì quyết định sản sinh ra nó...

Thiết chế văn hóa thuộc về kiến trúc thượng tầng, được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định. Cơ sở hạ tầng nào sinh ra kiến trúc thượng tầng ấy. Cơ sở hạ tầng phản ánh chức năng xã hội của các quan hệ sản xuất với tư cách là cơ sở kinh tế của các hiện tượng xã hội.

Nên suy cho cùng, bất kỳ hiện tượng nào thuộc kiến trúc thượng tầng: nhà nước, pháp luật, đảng phái chính trị, triết học, đạo đức, văn hóa,.. đều không thể giải thích từ chính nó. Bởi vì, chúng đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và do cơ sở hạ tầng quyết định.

Và,  về cơ bản, bản thân văn hóa sẽ “tự động” tiến lên theo quá trình phát triển của kinh tế mà không cần ai phải “dùng đòn bẩy”. Đó là quy luật tự nhiên.

Nói một cách dễ hiểu, kinh tế như thế nào thì văn hóa như thế ấy, kinh tế sinh ra văn hóa, văn hóa phản ánh kinh tế. Nếu túm tóc lôi đầu văn hóa đi trước kinh tế là cách làm phi logic, trái quy luật.

Ai có thể chứng minh được hiện nay ở ĐBSCL thiết chế văn hóa chưa xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp? Liệu đã có nghiên cứu, định lượng, định tính hay chỉ là vớ vào khái niệm triết học một cách qua loa, đại khái?

Phối cảnh bảo tàng 400 tỷ đồng...

Phối cảnh bảo tàng 400 tỷ đồng...

Theo nghĩa rộng nhất, văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

Theo nghĩa rất hẹp, văn hóa đơn giản là trình độ học vấn của con người, thể hiện ở việc Bác Hồ yêu cầu mọi người phải đi học “văn hóa”, xóa mù chữ…

Văn hóa được hình thành thông qua hoạt động vật chất của con người, từ thói quen, nếp sống, tư duy, cách làm, thái độ,...của từng cá nhân. Mẫu số chung nhất giữa các đặc điểm ấy được rút ra, chắt lọc lại, thử thách, gọi là “VĂN HÓA”.

Chứ không phải cứ xây cái nhà hát thật hoành tráng là nền âm nhạc Việt Nam nghiễm nhiên sánh bằng quốc tế; không phải dựng lên bảo tàng thật to là văn hóa tiến bộ...

Rất nhiều bảo tàng xây bằng bạc núi rồi bỏ không, lèo tèo khách khứa, đến nỗi không biết sử dụng vào việc gì cho đỡ lãng phí. Chừng đó chưa đủ là bài học kinh nghiệm xương máu hay sao?

Có thể bạn quan tâm

  • “Bội thực” bảo tàng!

    “Bội thực” bảo tàng!

    02:04, 30/09/2019

  • Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm Bảo tàng cà phê

    Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm Bảo tàng cà phê

    07:16, 10/03/2019

  • Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng?

    Vì sao tượng sáp Giáo sư Trần Văn Khê bị rút khỏi bảo tàng?

    17:07, 11/12/2017

  • Huyện nghèo xây tượng đài 14 tỷ đồng và câu chuyện lãng phí

    Huyện nghèo xây tượng đài 14 tỷ đồng và câu chuyện lãng phí

    11:00, 02/05/2020

  • Vẫn xảy ra lãng phí nguồn lực công

    Vẫn xảy ra lãng phí nguồn lực công

    13:45, 22/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bảo tàng 400 tỷ và sự khốn khó ở ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO